Đầu tư nâng cấp các hồ thủy lợi có nguy cơ mất an toàn tại miền Trung - Tây Nguyên

Thanh Tùng| 25/07/2022 10:28

(TN&MT) - Theo báo rà soát của Tổng cục Thủy lợi, riêng trên địa bàn 18 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện có 566 hồ chứa hư hỏng ở mức độ khác nhau và chưa có kinh phí để sửa chữa nâng cấp.

Theo thống kê, 18 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện có tổng số 4.086 hồ chứa thủy lợi, chiếm 60% tổng số hồ thủy lợi cả nước (6.750 hồ), với tổng dung tích 10,1 tỷ m3. Thời gian qua, các hồ chứa trong khu vực đã phát huy tốt vai trò phục vụ đa mục tiêu, như: Phòng chống thiên tai (chống lũ, hạn hán); cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh,...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên hầu hết được đầu tư xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế và thiếu kinh phí sửa chữa nâng cấp, nhiều công trình hư hỏng xuống cấp. Theo báo cáo của địa phương và rà soát của Tổng cục Thủy lợi, trên địa bàn 18 tỉnh trong khu vực hiện có 566 hồ chứa hư hỏng ở mức độ khác nhau và chưa có kinh phí để sửa chữa nâng cấp.

img_8540.jpg
Dự án Hồ chứa nước Ea H’Leo 1, tỉnh Đắk Lắk là một trong những dự án thủy lợi lớn tại Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Tùng

Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, từ năm 2003 đến nay, cả nước đã sửa chữa được khoảng 1.100 hồ chứa với tổng kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng. Gần đây nhất, theo đề xuất của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 12 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 1.000 tỷ để sửa chữa nâng cấp 68 hồ chứa trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng đối với tỉnh Đắk Lắk có nhiều hồ chứa thứ 3 cả nước, cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm hỗ trợ địa phương đầu tư sửa chữa, nâng cấp 29 hồ chứa bị hư hỏng với tổng kinh phí 464 tỷ đồng, trong đó 451 tỷ đồng cho 26 hồ trong Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), 13 tỷ đồng cho 3 hồ hỗ trợ cấp bách năm 2019.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ địa phương 123 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 8 hồ chứa trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cục Thủy lợi đề nghị địa phương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và chủ động bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa nâng cấp các công trình.

Để đảm bảo an toàn hồ đập khi mùa mưa lũ đang đến gần, Tổng cục Thủy lợi cho biết, căn cứ vào nhận định thời tiết của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều ban hành các Chỉ thị, Công điện về công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thủy lợi cũng như các văn bản hướng dẫn, đôn đốc địa phương thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

Năm 2022, trước nhận định, dự báo của cơ quan KTTV về mưa lũ diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng các công trình, thống kê các hồ chứa hư hỏng có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ; triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (tổ chức họp Hội đồng để tham mưu trình Bộ quyết định phương án tích nước và giải pháp đảm bảo an toàn công trình...)...

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn công trình và hạ du, Tổng cục tiếp tục đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1652/CT-BNN-TCTL ngày 18/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2022 cũng như các văn bản của Tổng cục Thủy lợi có liên quan

Trong đó, tổ chức rà soát các hồ chứa hư hỏng, bố trí kinh phí hoặc đề nghị Chủ sở hữu bố trí kinh phí để sửa chữa nâng cấp đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ 2022; trường hợp hồ bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn và chưa có kinh phí sửa chữa phải có giải pháp hạn chế tích nước.

Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, đặc biệt đối với các hồ do huyện, xã và Tổng Công ty Cafe Việt Nam quản lý về các nội dung như: Công tác lập và thực hiện phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; công tác kiểm định an toàn đập, lắp đặt lắp đặt thiết bị quan trắc KTTV chuyên dùng, cắm mốc phạm vi bảo vệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư nâng cấp các hồ thủy lợi có nguy cơ mất an toàn tại miền Trung - Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO