(TN&MT) – Xuân Mậu Tuất đã đến. Nhà nhà, người người chen nhau đi trẩy hội, du xuân. Cũng giống như mọi năm, mùa xuân trở thành mùa lễ hội, mùa đốt vàng mã và mùa cung tiến. Những năm trước đây, tình trạng cung tiến linh vật ngoại lai (chẳng hạn như sư tử đá) vào đền, chùa … trở nên nhức nhối toàn xã hội. Lúc đó, người ta kêu gọi người dân nên sử dụng con Nghê – một linh vật thuần Việt hơn cả. Vậy nhưng con Nghê là con gì?
Nghê có phải con chó?
Hình tượng con Nghê cho đến nay vẫn được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là linh vật có đời sống phức tạp nhất, khó xác định nhất về cả dáng vẻ cũng như lịch sử ra đời. Tuy nhiên trong số các linh vật, Nghê cũng được coi là linh vật huyền thoại và mang tính thuần Việt rõ hơn cả.
Ấy nhưng điều đáng buồn hiện nay là linh vật này khá lạ lẫm trong mắt người dân. Nhiều người cho đến bây giờ vẫn không biết con Nghê là con gì hoặc hình dáng cụ thể của nó ra sao? Nó có vai trò gì trong đời sống tâm linh của người Việt? Tại sao nó lại ít được sử dụng trong đời sống văn hóa đương đại? Nhằm làm rõ những vấn đề nêu trên, PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Đinh Hồng Hải (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).
Người ta thường nói con Nghê là linh vật mang tính thuần Việt hơn cả. Thế nhưng có vẻ không nhiều người biết được Nghê thuần Việt ở những điểm nào? Tại sao vậy, thưa ông?
Con Nghê là một linh vật rất phức tạp và không đơn giản như các linh vật khác. Đến nay chúng ta chưa tìm ra tài liệu lịch sử nào có thể xác định nguồn gốc ra đời và ý nghĩa cụ thể của nó. Chúng ta chỉ biết được gốc tích của nó thông qua những bức phù điêu còn sót lại. Không như các linh vật của Trung Quốc khi mà mỗi con đều có quy định về vai trò, vị trí rất rõ ràng, linh vật Nghê của Việt Nam hầu hết là sản phẩm của dân gian. Chính bởi vậy mọi yếu tố chỉ mang tính chất tương đối. Câu chuyện ở đây là như vậy?
Nhiều người hay nghĩ hình tượng con Nghê giống con chó. Điều này có đúng không, thưa ông?
Nhiều phỏng đoán về bản chất của con Nghê cũng đã được đưa ra. Dựa trên những tư liệu thực tế còn sót lại cũng như những suy luận khoa học, nhiều nhà khoa học cho rằng, bản chất ban đầu của con Nghê xuất phát từ hình tượng chó đá, con vật thường được đặt trước cổng làng hay cổng nhà để trấn yểm, giữ nhà. Sau này do nhu cầu về một linh vật có thể đặt ở những nơi linh thiêng hơn, chó đá được kết hợp với nhiều loài linh vật khác và hình thành những hình dáng khác nhau về sau này. Đến thời Nguyễn thì con Nghê hay bị nhầm với con Lân (Ly) của Trung Quốc bởi hình thù na ná như nhau.
Vậy tiến trình phát triển hình tượng con Nghê từ hình tượng con chó đá như thế nào?
Ban đầu hình dáng của Nghê tương đối giống với chó đá. Sau đó Nghê được lai tạp với hình dạng khỉ vương của Phật giáo và sau cùng được khắc họa dưới hình dạng thân có vảy, đầu có sừng gần giống như con Lân hiện nay. Thậm chí càng về sau, Nghê còn được tạo tác gần giống với sư tử đá trấn yểm ở các lăng mộ Trung Hoa nên nhiều người còn nhầm lẫn giữa Nghê và Sư tử. Tuy nhiên yếu tố thiêng của linh vật này rất khác so với những tứ linh ở chỗ nó không cố định mà phụ thuộc vào người sử dụng nó. Vì vậy ý nghĩa tâm linh của con Nghê không cố định. Người ta phân biệt Nghê với các linh vật khác ở chỗ nó thường được đặt ở bệ khá thấp và tạo tác của nó thường là quỳ hai chân sau giống chó đá. Tuy nhiên đây không phải là hình dáng cố định mà chỉ là những biểu hiện lớn nhất của hình tượng Nghê mà thôi.
Linh vật thuần Việt những khá phức tạp
Theo ông, tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Thứ nhất con Nghê là một con vật huyền thoại, thứ hai nó là một con vật hư cấu, thứ ba nó là con vật có nhiều sự đan xen giữa văn hóa bản địa và văn hóa ngoại nhập cho nên nó có nhiều biểu hiện khác nhau. Cũng do những biểu hiện khác nhau đó, cộng với việc tiếp thu trong từng thời kì lịch sử khác nhau, trong từng vùng miền khác nhau nên biểu hiện nó khác nhau. Dân gian vẫn nhận biết hình tượng con Nghê qua câu nói “Phượng múa Nghê chầu”. Nghê thường được chế tác thành một đôi và thường được đặt tại cổng các công trình tâm linh như đình, đền, chùa, miếu ... Càng về sau này Nghê càng được tăng thêm “tính thiêng” và có vị trí ngang hàng với tứ linh (gồm Long, Ly, Quy, Phượng).
Con Nghê có vai trò gì trong văn hóa Việt Nam, thưa ông?
Nếu có thể được phép dùng, chúng ta có thể coi đây là một linh vật thuần Việt. Bởi lẽ hình tượng này xuất hiện khắp từ Bắc chí Nam và xuất hiện rất nhiều trong đời sống sinh hoạt tinh thần của người Việt. Trong khi phần lớn các linh vật đều có một dạng thức hoặc uy nghi, hoặc dữ dằn thì con Nghê lại có rất nhiều biểu hiện khác nhau về mặt cảm xúc, thể hiện sự hài hòa trong tính cách cũng như đặc trưng của tâm hồn người Việt. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (trường đại học Mỹ Thuật Việt Nam) đã có nghiên cứu khẳng định, hình tượng Nghê xuất hiện lần đầu vào thời Lý (trước bậc thềm một cung điện). Điều này chứng tỏ, ngay từ thế kỉ X, linh vật này đã chiếm vị trí rất quan trọng trong hệ thống các linh vật.
Vậy tại sao một linh vật có sức sống mãnh liệt như vậy lại bị “bỏ quên” trong đời sống đương đại, thưa ông?
Mấy năm trước tình trạng sư tử đá tràn lan ở các di tích lịch sử, di tích tâm linh … nhiều đến mức khiến cả xã hội phản ứng gay gắt. Lúc đó Nghê mới được nhắc đến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều nhưng tôi lưu ý mấy điểm như sau. Thứ nhất sự đứt gãy và mai một văn hóa truyền thống khiến nhiều người không biết hoặc biết qua loa về hình tượng con Nghê. Thứ hai là tâm lí sính ngoại mù quáng và a dua theo kiểu trọc phú của một số người có tiền. Sự cộng hưởng này từng tạo nên một câu chuyện nóng bỏng khiến cả xã hội quan tâm. Mặc dù Nghê hiện nay được nhiều người biết tới hơn nhưng vai trò của nó trong văn hóa đương đại vẫn chưa cao như kỳ vọng.
Xin cảm ơn ông!