(TN&MT) - Công tác dự báo khí tượng thủy văn trong những tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục tập trung vào dự báo, cảnh báo thiếu nước khô hạn trên toàn quốc. Đặc biệt, chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai.
Chiều 19/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 về công tác dự báo, thông tin và dữ liệu khí tượng thủy văn.
Sơ bộ tình hình khí tượng thủy văn từ đầu năm đến nay, PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, năm 2019, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện trên Biển Đông ít hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), tuy nhiên, số cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta lại tương đương với TBNN. Các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện với tần suất thấp và không kéo dài. Nắng nóng gay gắt và kéo dài với nhiều kỷ lục mới được thiết lập. Các đợt mưa lớn xuất hiện ít hơn rất nhiều so với năm 2018, tuy nhiên nhiều điểm có lượng mưa lớn kỷ lục.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Mùa lũ chính vụ trên các sông Bắc Bộ xuất hiện ít lũ, nguồn dòng chảy trên các sông suối. Trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên lũ lớn, ngập lụt xuất hiện nhiều, đặc biệt trong mùa khô độ mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Khu vực Nam Bộ, trong mùa lũ lượng dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công luôn thiếu hụt nhiều so với TBNN, thời kỳ cuối mùa lũ tại nhiều trạm vùng trung, hạ lưu sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu.“Năm nay, lũ quét và sạt lở đất xảy ra ít hơn so với năm 2018, nhưng lại khốc liệt hơn” - PGS.TS Mai Văn Khiêm nhận định.
Trước tình hình đó, trong năm qua, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến, phát hiện và kịp thời dự báo các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm.
Theo ông Mai Văn Khiêm, đơn vị đã thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ khai thác, vận hành và phòng chống thiên tai cho 11 lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa. Các bản tin dự báo KTTV ngắn hạn, hạn vừa và hạn dài được thực hiện đầy đủ, thường xuyên và kịp thời.
“Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình, quy phạm, quy định chuyên môn dự báo KTTV. Đồng thời, chủ trì xây dựng Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo hải văn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dự báo, cảnh báo lũ...” - ông Mai Văn Khiêm nêu rõ.
Bên cạnh những kết quả của công tác dự báo phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, ông Khiêm cũng chỉ ra những khó khăn mà đơn vị dự báo gặp phải trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Trong đó, diễn biến KTTV trong năm nay khá phức tạp, yêu cầu dự báo ngày càng cao về độ chính xác, mức chi tiết, thời hạn dự báo cần dài hơn... Dự báo hải văn còn thiếu số liệu quan trắc trên biển; chưa có công cụ, mô hình phục vụ giám sát, hỗ trợ và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt sở đất sử dụng các nguồn dữ liệu tự động...
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo KTTV, ông Khiêm cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hiện đại hóa ngành KTTV. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao với các nước đi đầu về KTTV như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh...; nâng cao năng lực và hỗ trợ các Đài KTTV khu vực, tăng cường năng lực cảnh báo lũ quét, ngập lụt đô thị; có giải pháp tăng cường mạng lưới quan trắc hải văn giúp cho việc dự báo bão được thuận lợi.
Nhận định xu hướng khí tượng thủy văn trong những tháng nửa đầu năm 2020 ông Khiêm cho biết, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn TBNN cùng thời kỳ phổ biến từ 0,5-1 độ; tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra trên diện rộng. Từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020 sẽ xảy ra thiếu nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm, sâu hơn và gay gắt hơn so với TBNN.
Toàn cảnh Hội nghị |
“Do vậy, trọng tâm công tác dự báo phục vụ trong những tháng đầu năm 2020 tiếp tục là dự báo, cảnh báo thiếu nước khô hạn trên toàn quốc; xâm nhập mặn ở Trung Bộ và Nam Bộ, rét đậm, rét hại ở phía Bắc; mưa lũ trái mùa ở phía Nam, sau đó là mưa lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất tập trung ở Bắc Bộ và Trung Bộ... Đặc biệt, chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ công tác phòng chống” - ông Mai Văn Khiêm nói.
Thống nhất với những định hướng mà cơ quan dự báo xác định, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường chỉ đạo, công tác dự báo, quản lý dự báo KTTV, cố gắng tiếp cận nhất đến mục tiêu “sớm, chi tiết và cụ thể”.
Ông Hoàng Đức Cường lưu ý, trước tình hình hạn hán, thiếu nước có khả năng xảy ra ở nhiều khu vực trên phạm vi cả nước , ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội; các đơn vị dự báo cần tập trung đánh giá dấu hiệu bất thường của các thiên tai nhanh. Ngay sau những đợt thiên tai xảy ra nhanh, bất ngờ, phải khẩn trương có những trao đổi, đúc rút được đặc điểm, dấu hiệu nhận biết thiên tai để các dự báo viên có thể nhận biết được các hiện tượng trong tương lai.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng các công cụ phục vụ dự báo KTTV, chuyển giao đến các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh; tổ chức đánh giá nghiêm túc, trực tuyến các bản tin, liên tục cải tiến các bản tin theo hướng “dựa trên thiên tai”, cố gắng đưa thêm vào bản tin những thông tin về tác động đến các đối tượng chịu tác động của thiên tai.
Bên cạnh đó, cơ quan dự báo cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thường xuyên cập nhật các thông tin KTTV để giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đối với hệ thống thông tin và dữ liệu KTTV, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường đề nghị tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ công tác dự báo, đánh giá nền KTTV cho cả nước. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN, muốn làm được bắt buộc phải có cơ sở dữ liệu minh bạch, tường minh.
“Cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất đầu tư hệ thống thông tin chuyên dùng, chuyên ngành KTTV; xây dựng kế hoạch và kiến nghị đầu tư một số phần mềm bản quyền của ngành KTTV” - ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.