Cụ thể, các địa phương cơ bản đã kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình đấu giá ở địa phương, các khó khăn vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Đối với doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, Bộ TN&MT đã kịp thời thông tin, phổ biến các quy định mới của pháp luật về khoáng sản đến doanh nghiệp, đồng thời, tiếp nhận và giải đáp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản.
Việc cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã lựa chọn được những tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản, có cam kết chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm; đầu tư công nghệ khai thác thân thiện môi trường. Đồng thời, góp phần xóa bỏ được cơ chế “xin - cho”, phát huy được giá trị tiềm năng của khoáng sản, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản và tăng thu ngân sách của Nhà nước.
Đặc biệt, thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp có cơ hội tham gia cạnh tranh công bằng, hạn chế tối đa việc độc quyền trong lĩnh vực khoáng sản; xác định được năng lực đầu tư của doanh nghiệp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cũng nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tạo được sự đồng thuận giữa các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, tạo môi trường đầu tư lành mạnh với các tổ chức, cá nhân khi tham gia đầu tư, khai thác khoáng sản.
Để đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền phổ biến, UBND các tỉnh đều có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh tổ chức tập huấn phổ biến Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Thông tư số 54/2014/TTLT-BTNMTBTC của Bộ TN&MT và Bộ Tài chính cho các đối tượng là cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, cán bộ địa chính các xã, phường; cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại các phòng tài nguyên môi trường các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Đồng thời, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, trong đó có Nghị định số 22/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện dưới nhiều hình thức. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ ngành TN&MT cấp tỉnh, huyện, xã nắm vững các quy định, chủ trương chính sách pháp luật về khoáng sản, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu trong quản lý Nhà nước trên địa bàn. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản cũng nắm bắt kịp thời các quy định mới trong lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt là công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ông Đào Chí Biền mong muốn, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phục vụ công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với các địa phương, đẩy mạnh hơn nữa công tác cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, kém hiệu quả; chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân có tiềm lực về tài chính, năng lực về quản lý và công nghệ hiện đại tham gia thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Ông Biền cũng cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý các thủ tục hành chính; triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ, đạt hiệu quả.