Môi trường

Sạt lở bất thường ở bờ biển Phú Thuận

Văn Dinh 04/07/2024 - 07:34

(TN&MT) - Dù đang ở thời điểm mùa khô nhưng tại bờ biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), tình trạng sạt lở, xâm thực bất ngờ diễn ra, đe dọa đến cuộc sống người dân.

Xã biển Phú Thuận có đặc thù biển hở, phía ngoài không có vịnh bao quanh như một số địa bàn khác. Tình trạng biển xâm thực, sạt lở đã diễn ra nhiều năm, vào mùa mưa bão. Tuy nhiên năm nay, sạt lở xuất hiện vào mùa khô.

satlohue-1.jpg
Sạt lở bất thường ở xã Phú Thuận dù đang là mùa khô

Qua thống kê, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có hơn 21km bờ biển bị sạt lở. Trong đó, sạt lở nặng khoảng hơn 10km tập trung tại các xã ven biển thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và TP. Huế, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân.

Khoảng một tháng qua, sạt lở liên tục diễn ra tại các thôn Tân An, Tân Trung, Xuân An, An Dương... của xã Phú Thuận, nhiều vị trí sạt lở sâu, dựng “hàm ếch”. Trong đó, khu vực từ Tân An đến Xuân An là trọng điểm của sạt lở, đoạn này dài hơn 1.400m, biển “ăn” sâu vào đất liền 20 - 30m, gây nguy cơ mất nơi ở, ảnh hưởng sản xuất. Còn tại bãi tắm giáp phường Thuận An và đoạn giáp xã Phú Hải, biển “ăn” sâu vào đất liền hàng chục mét.

Nhà gần biển, ông Trần Văn M - (thôn Tân An) cho hay: "Gia đình tôi đã ở đây hơn 20 năm, năm nào biển cũng sạt lở, càng ngày càng “khoét” sâu, tiến sát vào quán sá và nhà dân. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ rất nhanh. Năm nay dù đang mùa hè nhưng đã sạt lở, chứng tỏ tình hình ngày càng phức tạp. An cư mới lạc nghiệp, hi vọng cơ quan chức năng sớm tìm phương án ứng phó giúp cho bà con bởi mùa mưa sắp đến rồi”, ông M. chia sẻ.

Được biết trong những cuộc tiếp xúc cử tri, các hộ dân đã gửi kiến nghị lên cấp trên mong sớm đầu tư xây dựng nhiều đoạn kè để lấp đầy bờ biển của xã, giúp người dân yên tâm hơn mỗi khi thiên tai đến. Các mùa mưa bão những năm trước, qua thực tế ở xã Phú Thuận cho thấy, thủy triều gây xâm thực mạnh tại địa phương, ảnh hưởng nặng nhất là thôn Tân An, sạt lở theo kiểu dựng đứng, xoáy “hàm ếch”, cây cối trơ gốc.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, tốc độ sạt lở ở bờ biển xã diễn ra rất nhanh, nhất là những năm nhiều bão, áp thấp. Thời gian qua, Phú Thuận đã được cấp trên quan tâm đầu tư khoảng 2,5km kè biển (kè bờ) và 0,5km kè ngầm với tổng kinh phí hơn 350 tỷ đồng, trong đó, đoạn kè thôn Tân An hoàn thành vào năm 2023.

satlohue-2.jpg
Bờ biển Phú Thuận bị xâm thực, ảnh hưởng đến đời sống người dân

Khu vực sạt lở nghiêm trọng năm nay diễn ra tại phần bờ biển khu vực bãi tắm chưa áp dụng giải pháp thi công kè, "tấn công" cả vào chân kè ở nơi tiếp giáp với khu vực chưa xây kè. Đáng lo ngại là năm nay, dù mùa khô nhưng biển vẫn xâm thực, đây là hiện tượng hiếm thấy. Các đoạn còn lại (gần 2km) chưa được đầu tư kè tiếp tục xuất hiện sạt lở, nhiều khu vực xung yếu gây nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân và hạ tầng giao thông, du lịch trong khu vực.

“Việc đầu tư kè biển ngoài ứng phó sạt lở tạo "bình phong" che chở hướng đông bắc TP. Huế giúp địa phương ổn định dân cư, phát triển sản xuất, nhất là dịch vụ du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng xã biên giới biển. Để đảm bảo ổn định bờ biển lâu dài, xã kiến nghị cấp trên sớm triển khai thi công đoạn kè biển từ Tân An đến Xuân An; đầu tư kè tại bãi tắm Phú Thuận theo hướng đóng cọc bê tông dự ứng lực sát mặt đất để giữ bãi tắm vì đây là khu vực xung yếu, khoảng cách từ phá ra biển khoảng 400m, có nguy cơ mở cửa biển mới; đầu tư kè đoạn còn lại tại thôn An Dương 3, giáp xã Phú Hải”, ông Dân nói.

Cũng theo lãnh đạo xã Phú Thuận, chính quyền luôn tuyên truyền, vận động các hộ dân sát bờ biển trong khoảng cách không đảm bảo an toàn có phương án di dời đến vị trí an toàn. Địa phương đã bố trí quỹ đất tái định cư, ưu tiên các hộ trong diện phải di dời khẩn cấp...

Theo ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng phức tạp và dị thường, tỉnh liên tục chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng, làm cho tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển, bồi lấp cửa biển trên địa bàn diễn ra rất nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Khoảng 10 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn, tỉnh đã đầu tư xây dựng được khoảng 9,38km/21km kè chống sạt lở bờ biển tại các đoạn xung yếu, nguy hiểm và ổn định cửa biển với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

“Biện pháp xây kè chống sạt lở biển đã phát huy hiệu quả, hiện UBND tỉnh bố trí nguồn vốn, đang tiếp tục triển khai xử lý khẩn cấp các đoạn sạt lở bờ biển xung yếu qua các thôn Tân An, Trung An, Xuân An của xã Phú Thuận bằng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai và nguồn ngân sách tỉnh. Ngoài ra, nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp bố trí tiêu vè, rào chắn, lắp dựng các biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở nguy hiểm, chủ động di dời, sơ tán người dân...”, ông Hòa thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sạt lở bất thường ở bờ biển Phú Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO