(TN&MT) - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, qua đó giúp nhiều hộ dân từng bước vượt qua khó khăn, cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.
Với quyết tâm thoát nghèo, ngoài diện tích đất nông nghiệp được cấp, gia đình ông Võ Tín (thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền) mạnh dạn thuê thêm 1 mẫu ruộng để trồng lúa; kết hợp nuôi đàn gà gần 100 con; đàn vịt và ngỗng đã cho thêm thu nhập thường xuyên. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Nhà nước và vốn đối ứng của gia đình, ông Tín được hỗ trợ bò mẹ sinh sản, qua đó bán được bò con và có tiền để sửa sang lại nhà cửa. Cuối năm 2022, gia đình ông Tín là một trong 52 hộ ra khỏi hộ nghèo ở xã theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường (bản Hạ Long, xã Phong Mỹ) cũng là hộ nghèo, bản thân ông Cường thường xuyên đau ốm, không thể lao động. Vợ thì ai kêu gì làm đó nên cuộc sống rất khó khăn. Hơn 2 năm trước, gia đình được UBND xã Phong Mỹ hỗ trợ 1 con bò cái với kinh phí khoảng 10 triệu đồng; đồng thời, ông Cường vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền 30 triệu đồng, mua thêm 3 bò con, 3 con dê, 5 con heo, vài chục con gà để phát triển chăn nuôi. Với việc đẩy mạnh chăn nuôi, trồng cây ăn quả trên đất đai hiện có, gia đình ông dần thoát được cái nghèo.
Những năm qua, huyện Phong Điền đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp đối với công tác giảm nghèo bền vững, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chính sách, chương trình dự án hỗ trợ hộ nghèo vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, y tế, nhà ở. Bên cạnh đó, cùng với các cấp, các ngành địa phương tích cực vào cuộc huy động mọi nguồn lực của xã hội hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện đã tiếp nhận hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và Quỹ vì người nghèo huyện triển khai thực hiện xây mới và sửa chữa 65 nhà cho họ nghèo với tổng số tiền 2,892 tỷ đồng; giúp đỡ cho người nghèo, cận nghèo 10.097 suất quà với kinh phí 4,174 tỷ đồng, hỗ trợ 502 địa chỉ nhân đạo với giá trị hỗ trợ gần 1 tỷ đồng/năm...
Bên cạnh đó, Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp với các đơn vị liên quan, cùng các công ty, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; nhờ đó đã giải quyết việc làm mới hơn 1.700 lao động, trong đó có 244 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong năm 2023, thông qua ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đã giải ngân số tiền 141,49 tỷ đồng với 2.690 lượt vay nhằm phát triển sản xuất, xây dựng mô hình sinh kế; giải ngân cho 1.925 hộ được vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường với số tiền 38,5 tỷ đồng; các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện đã huy động nguồn lực, chung tay hỗ trợ hơn 155 triệu đồng hỗ trợ phát triển mô hình sinh kế cho 73 hộ nghèo và tặng quà cho 386 con em hộ nghèo trị giá trên 168 triệu đồng; hỗ trợ tiền điện cho 860 hộ nghèo...
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo an cư, lạc nghiệp, yên tâm phát triển sản xuất, huyện Phong Điền đã triển khai nhiều giải pháp để xóa nhà tạm trên địa bàn huyện, trong đó, Hội Đồng hương Phong Điền tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã huy động quỹ từ hoạt động tổ chức giải Tennis từ thiện Phong Điền - Huế, qua đó đã trao tặng số tiền 950 triệu đồng để huyện Phong Điền xóa nhà tạm cho hộ nghèo (tương ứng 12 nhà, mỗi nhà 80 triệu đồng).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phong Điền còn một số khó khăn, như việc lựa chọn một số mô hình, dự án chưa phù hợp với người nghèo để giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững; công tác điều tra rà soát, công nhận hộ nghèo hàng năm một số xã, thị trấn chưa thực sự chính xác, còn ngại va chạm với người dân; một số hộ nghèo thoát nghèo thiếu bền vững, tái nghèo và nghèo mới vẫn còn...
Theo ông Võ Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Phong Điền, trong giai đoạn 2022-2025, huyện xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, một trong những giải pháp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững đó là tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý chí thoát nghèo của các hộ; triển khai có hiệu quả các mô hình sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập gắn với giảm nghèo theo địa chỉ cụ thể; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là các hộ không có khả năng lao động; làm tốt công tác phối hợp trong hệ thống chính trị của xã cũng như phối hợp giữa xã với các cơ quan chuyên môn cấp huyện tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các chính sách, các mô hình cũng như các điều kiện để xóa các chiều thiếu hụt, chỉ số thiếu hụt đối với các hộ nghèo; chú trọng nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo;…
“Song song với việc hỗ trợ hộ nghèo, huyện tiếp tục quan tâm các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để tránh tái nghèo, bởi đây là đối tượng dễ “tổn thương” trước tác động của dịch bệnh, thiên tai. Riêng năm 2024, UBND huyện đã tiến hành giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho các xã, thị trấn đảm bảo phù hợp, trong đó lưu ý đảm bảo tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất tại một số đơn vị dự kiến thành phường (Điền Lộc – Điền Hòa, Phong Hiền) để triển khai có hiệu quả về tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo theo quy định. Có thể nói, giảm nghèo bền vững cần phải có sự vào cuộc cả cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự đồng lòng, chung sức của người dân trên địa bàn huyện, qua đó góp phần xây dựng huyện sớm trở thành thị xã”, ông Vui chia sẻ.
Năm 2023, huyện Phong Điền đã giảm 244 hộ nghèo/122 hộ nghèo theo kế hoạch, hiện còn lại 616 hộ nghèo với 1.220 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,05 %; ngoài ra đã giảm 125 hộ cận nghèo, hiện còn 996 hộ cận nghèo với 2.472 khẩu, chiếm tỷ lệ 3,32 %