Đấu giá, giá tăng gần 3 lần
Khu đất số 23 Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP hồ Chí Minh trước khi mang ra bán đấu giá là trụ sở của Công ty Xổ số kiến thiết TP Hồ Chí Minh. Tháng 6/2015, khu đất 23 Lê Duẩn có diện tích 3.000m2, chiều ngang mặt tiền Lê Duẩn 55m, tọa lạc tại khu vực sang trọng bậc nhất của thành phố được mang ra bán đấu giá với giá khởi điểm là 588 tỷ đồng. Phiên đấu giá thu hút sự tham gia của hầu hết các đại gia nhà đất Việt Nam. Sau rất nhiều vòng đấu giá, Tân Hoàng Minh đã trở thành chủ nhân của khu “đất kim cương” này với giá 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. Số tiền 1.430 tỷ đồng cũng là số tiền kỷ lục từ trước đến nay mà TP Hồ Chí Minh thu được thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Bình quân, mỗi mét vuông có giá trị khoảng 470 triệu đồng.
Đấu giá công khai là hình thức định giá khách quan nhất đối với một tài sản. Khi đấu giá, giá trị của tài sản sẽ được định giá toàn diện từ giá trị vị trí, giá trị tiềm năng… sẽ được cộng vào đầy đủ.
Khu đất số 23 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP hồ Chí Minh được Công ty Tân Hoàng minh đấu giá lên đến 1.430 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm. |
Theo kế hoạch, trong năm 2017, TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành đấu giá hơn 1.000 mặt bằng, nhà đất để lấy vốn cho đầu tư phát triển.
Thống kê của các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh (số liệu được công bố tại kỳ họp ngày 30/12/2016), trên toàn thành phố thì thành phố vẫn còn 1.033 mặt bằng nhà đất, trong đó, khối các quận huyện đang quản lý sử dụng 788 mặt bằng, nhà đất, khối các sở ngành, cấp thành phố quản lý 245 mặt bằng nhà xưởng.
Hy vọng, với kinh nghiệm quý đấu giá thành công khu đất 23 Lê Duẩn, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đấu giá thành công những khu đất khác.
Vì sao chưa mở rộng?
Tuy nhiên trên thực tế những dự án bất động sản thuộc dạng “khủng” được giao đất trong thời gian qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều không thông qua đấu giá, đấu thầu như quy định. Chẳng hạn, khu đất có diện tích 29ha thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4) được chỉ định giao cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông mà không qua đấu giá hay đấu thầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kinh tế & Đô Thị, Công ty Trung Thủy cũng được giao 5 dự án có nguồn gốc đất công mà không qua đấu giá, đầu thầu. Cụ thể các khu đất số 230 Nguyễn Trãi, quận 1, diện tích 8.827m2; khu đất số 78 Tôn Thất Thuyết, quận 4, diện tích 13.814m2 và 2 khu đất 32.902m2 tại số 1B/KC Nguyễn Lý; khu 1Bis/KC Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú.
Thời gian qua TP Hồ Chí Minh cũng đã giao một số khu đất “vàng” thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) cho các nhà đầu tư cũng không trải qua đấu giá hay đấu thầu. Đến thời điểm hiện nay, đã có 3 dự án quy mô lớn được thành phố chỉ định đầu tư vào KĐTMTT. Cụ thể, Khu phức hợp Sóng Việt, tọa lạc trong Khu chức năng số 1 của KĐTMTT với tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng đã được thành phố giao cho Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát. Đổi lại, thành phố sẽ thu về được khoảng 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất từ dự án này. Trước đó, Công ty Đại Quang Minh cũng được thành phố chọn giao dự án với phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Thành phố giao cho Công ty Đại Quang Minh một số lô đất, Công ty Đại Quang Minh đầu tư xây dựng 4 trục đường chính của KĐTMTT
Có một điểm chung đó là các dự án trong KĐTMTT được giao đất cho các nhà đầu tư triển khai các dự án cho đến nay đều không thông qua đấu giá, đấu thầu. Thay cho việc đấu giá, đấu thầu, thành phố xin chủ trương từ chính phủ để thực hiện việc chỉ định thầu.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chính phủ (cuối năm 2016), tính đến gần cuối năm 2015, tổng vốn đầu tư vào KĐTMTT cho các hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 12.000 tỷ đồng là vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng, tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng mỗi ngày.
Cũng theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, ngân sách thành phố đang rất hạn chế, khả năng vay vốn từ những ngân hàng lớn cũng rất khó khăn vì đã hết hạn mức cho vay, chỉ còn nguồn thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất từ các dự án đầu tư vào KĐTMTT để hoàn trả vốn vay, lãi vay và để đáp ứng về nhu cầu vốn đầu tư trong thời gian tới. Vì vậy, thành phố đã có một loạt kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép được lựa chọn nhà đầu tư thay cho việc đấu thầu.
Theo Ktđt