Chứng kiến tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm; và với những bước đi mạnh mẽ của TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), chúng ta có quyền hy vọng về những mùa “quả ngọt” rất gần, và về một tương lai xán lạn. Trong tương lai, con rồng Hạ Long đạp sóng, cất cánh bay lên, sánh ngang tầm quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Xuân Diệu thốt lên như thế. Cũng không phải ngẫu nhiên người ta ví von sự có mặt của vịnh Hạ Long như một cuộc hoài thai của đất và trời từ hàng triệu năm để tạo ra những đứa con tuyệt sắc giai nhân đặc biệt hiếm có trên thế giới. Lại có truyền thuyết kể rằng, các đảo lớn, đảo nhỏ trên vịnh Hạ Long là những viên ngọc bích, ngọc trai được Rồng Mẹ nhả ra, kết thành thành lũy che giông chắn bão, chống giặc ngoại xâm. Và, cho dù có giải thích trên cơ sở khoa học hay huyền tích thì cho đến bây giờ, vịnh Hạ Long vẫn là một kỳ quan tuyệt đẹp mà trong kỳ quan ấy, có những phần cơ thể còn ngủ yên, chưa thức giấc.
Thế nên, cũng từng bấy năm, người ta thêu dệt cho vịnh Hạ Long muôn nghìn câu chuyện, chỉ để nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng về những gì mà con người chưa khám phá, thậm chí, chưa hình dung ra. Như cách đây chưa lâu, trong một lần đặt chân tới vịnh Hạ Long, nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng đã từng phải mượn trí tưởng tượng để thốt lên: “Những thú rừng khổng lồ sổng từ thuở hồng hoang/Lũ lượt đến quanh ta, giỡn đùa khoe sắc lạ…”.
Ấy nhưng, không chỉ cả quần thể vịnh Hạ Long là một thiên kỳ bí, mà từng gốc cây, ngọn cỏ, từng viên đá, cho đến mỗi hang động trong vịnh cũng nắm giữ riêng cho mình một câu chuyện kỳ bí từ ngàn xưa. Mỗi “tế bào” của vịnh Hạ Long đều lưu giữ một huyền thoại do người dân sáng tạo ra trong quá trình ăn sóng, uống gió, vật lộn với giông bão, trong bóng sẫm của các ngọn núi đá ngả xuống mặt nước biển xanh để tồn tại và nuôi dưỡng. Và hầu như những câu chuyện đầy màu sắc ấy, đều gắn với lịch sử, văn hóa, quá trình lao động sản xuất, đời sống tinh thần, những khát vọng trong cuộc sống… Ấy là đứng từ góc nhìn văn hóa.
Còn từ góc nhìn khoa học, vịnh Hạ Long được đánh giá là hiện trạng di sản thiên nhiên mang đầy đủ giá trị cảnh quan, thẩm mỹ; giá trị địa chất - địa mạo và giá trị văn hóa, lịch sử; là nơi có đa dạng sinh học cao. Đến nay đã thống kê được hơn 3.000 loài động, thực vật sống trong nhiều kiểu hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới (hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng triều, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái đáy mềm, hệ sinh thái tùng áng...).
Trong số 830 loài thực vật trong hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới có 8 loài đặc hữu của Việt Nam, 19 loài đặc hữu Bắc Bộ, 5 loài đặc hữu Quảng Ninh, 15 loài đặc hữu Hạ Long, 195 loài nguy cấp, quý hiếm nằm trong các Danh lục Đỏ của Việt Nam và thế giới. Động vật trên các đảo đá và hang động của vịnh Hạ Long đã ghi nhận 5 loài đặc hữu, 19 loài chim, 11 loài thân mềm, 2 loài giáp xác, 12 loài bò sát, 9 loài thú nằm trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, Cites, IUCN. Các loài động vật dưới biển có 6 loài cá biển, 1 loài san hô nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục theo văn bản 06/VBHN-BNNPTNT ngày 27/4/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Trong đa dạng thiên nhiên và quần thể hỗn loài, những quần thể, cá thể mới mẻ, tươi non hòa quyện với những quần thể, cá thể hàng trăm tuổi, có thể hàng nghìn tuổi, thấm đẫm hương vị thuở khai thiên lập địa. Không khó để lý giải vì sao, thi hào Xuân Diệu phải thốt lên trong một tứ thơ lấp lánh hào quang: “Ta ngả chào vùng non nước Hạ Long”.
Nhưng cũng như bất cứ một di sản nào khác trên thế giới trong sự “va đập” với con người, kỳ quan vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long - thành phố bên bờ sóng - thủ phủ của Quảng Ninh cũng đang chịu sức ép từ mặt trái của phát triển mà rác thải là một điển hình.
Thông tin từ Phòng TN&MT TP. Hạ Long cho biết, rác thải - mối đau đầu của các nhà chức trách cho đến nay đã giải quyết được những vấn đề cơ bản, chỉ còn lại một phần trong đó, nhưng cái phần nhỏ ấy lại có cả nguyên nhân từ chủ quan và cả khách quan.
Những năm gần đây, việc thu gom rác trên địa bàn Hạ Long được giao cho 2 đơn vị đảm trách. Khu vực ven bờ vùng đệm do UBND TP. Hạ Long thực hiện, hoạt động thu gom tập trung vào dải nước ven bờ và vùng bờ biển nhằm ngăn chặn, giảm thiểu rác thải từ nguồn phát tán ra vịnh Hạ Long.
Khu vực vùng lõi Di sản do Ban Quản lý vịnh Hạ Long triển khai, các hoạt động thu gom tập trung chính tại các khu vực hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh như các tuyến, điểm du lịch, các điểm thường xuyên tụ đọng rác (ven chân đảo, bãi cát…), luồng chảy từ khu vực ven bờ vào vịnh. Rác thải thu gom được ven bờ và trên vịnh đều được vận chuyển vào bờ xử lý trong ngày.
Công việc của các Tổ thu gom rác ven bờ vịnh Hạ Long thuộc Công ty CPTM Phúc Thành bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng và kết thúc khoảng 19 giờ tối hàng ngày. Đều đặn, dẫu nắng dẫu mưa, những người công nhân vẫn miệt mài vớt rác. Công việc đã mang lại cho họ niềm vui vì được chung tay giữ cho biển sạch hơn. Nếu không vui, làm sao có thể có cái vung vợt nhẹ nhõm và điêu luyện nhường kia, nếu không vui, làm sao có những mối tình nảy nở từ môi trường làm việc và nên duyên vợ chồng như anh Sơn - chị Liên. Hay lớn hơn, là những lời gan ruột với biển như Tổ trưởng Tổ thu gom rác ven bờ vịnh Hạ Long Trần Văn Hiền thổ lộ: “Mình là con của biển cho nên mình muốn góp một chút công sức lao động làm cho biển sạch hơn”.
Và, nói là 2 lực lượng nhưng họ đều hướng về một mục đích, chung một mục tiêu, vì thế nên khoảng cách giữa họ nhiều lúc xóa nhòa. Ví như trong các đợt cao điểm, khi lượng rác ngoài vịnh phát sinh đột biến, bên cạnh sự chủ động bổ sung nhân lực, phương tiện, phạm vi thu gom của Ban quản lý vịnh Hạ Long, thì TP. Hạ Long sẽ huy động nhân lực, nguồn lực, cả lực lượng thu gom rác ven bờ thường trực và các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể công đoàn, đoàn thanh niên, lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích và nhân dân cùng phương tiện để phối hợp tổ chức ra quân tăng cường dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phao xốp trên vịnh, như trong đợt cao điểm ra quân dọn rác trên vịnh Hạ Long từ ngày 26/3/2024 - 20/4/2024 vừa qua. Và ngược lại, khi thành phố có “việc” thì lực lượng thu gom của vịnh lại tranh thủ về hỗ trợ, nhặt rác thải tại các khu vực ven bờ biển, chân núi đá, bãi cát để không chỉ làm sạch bờ, ven bờ, mà còn ngăn chặn rác phát tán ra vịnh.
Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm chung, Phó Trưởng phòng TN&MT TP. Hạ Long Trần Ngọc Thế cho biết: “Có làm sạch rác trên bờ và ven bờ mới mong sạch rác ngoài vịnh. Ngược lại, vịnh có sạch thì ven bờ mới sạch. Vì vậy, dù rác có đến từ đâu chăng nữa nhưng chúng tôi xem việc làm sạch rác là trách nhiệm chung, không của riêng ai”.
Cũng trong chuyến trải nghiệm vịnh Hạ Long, tại khu vực đảo Ti Tốp, chúng tôi gặp và trò chuyện cùng Reynir Zoega - du khách đến từ đất nước Iceland. Reynir cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến vịnh Hạ Long. Hạ Long trong mắt Reynir và bạn bè tuyệt đẹp, con người thân thiện, dịch vụ du lịch chu đáo và hài hòa. Chỉ có một chút băn khoăn là rác.
Theo Reynir: “Ở đất nước Iceland, nếu người dân xả rác không đúng quy định sẽ bị xử phạt nặng, bằng cách đóng tiền hành chính hay chính bản thân người xả rác phải thực hiện lao động công ích. Tôi mong chính quyền Việt Nam và tại địa phương (Hạ Long, Quảng Ninh) xử phạt nghiêm những người xả rác bừa bãi. Tuy nhiên rác thải biển đến từ nhiều nơi và đây cũng là tình trạng chung của các quốc gia có biển. Vì vậy, tôi rất thích thú khi thấy có những chiếc thuyền vớt rác ngoài vịnh, tôi hy vọng những chiếc thuyền này sẽ hoạt động lâu dài để Hạ Long của các bạn sạch đẹp mãi”.
Tôi tin, người Quảng Ninh khoáng đạt như biển cả, đã nói là làm. Như xóa phao xốp trong ngành nuôi thủy sản trên biển là một điển hình, giờ, mối nguy rác thải đến từ phao xốp hầu như không còn nữa, hoặc là còn rất ít. Vì vậy mà mối băn khoăn của chúng tôi nghiêng về câu chuyện nước thải của Hạ Long thời gian gần đây. Ngay trước ngày chúng tôi tiếp cận các nhà máy xử lý nước thải của TP. Hạ Long, Phòng TN&MT vừa hoàn thiện các văn bản trình UBND thành phố để UBND trình Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long bản Báo cáo Phương án thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hạ Long và văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Dự án Thoát nước và xử lý nước thải TP. Hạ Long theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trước khi đi vào phản ánh hiện trạng xử lý nước thải của TP. Hạ Long, xin được dẫn báo cáo ngắn gọn chất lượng nước vịnh Hạ Long do Ban Quản lý vịnh Hạ Long cung cấp. Theo đó, để giám sát chất lượng nước khu vực vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai hệ thống quan trắc chất lượng nước biển hàng quý tại 19 điểm trong khu vực Di sản và 15 điểm vùng đệm, 33 điểm vùng phụ cận. Kết quả hiện trạng “chỉ số chất lượng nước tại khu vực Di sản nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương tỉnh Quảng Ninh”.
Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng nước khu vực ven bờ vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, đặc biệt là những chồng lấn rào cản từ dự án có liên quan đến nguồn vốn ODA.
Số liệu công khai từ báo cáo của Phòng TN&MT cho biết, với 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung do Ban Quản lý các dịch vụ công ích Hạ Long đang vận hành, khả năng đáp ứng xử lý nước thải tại các trạm là 20.113m3/ngày đêm trên tổng lượng nước thải cần xử lý là 40.403m3/ngày đêm, đạt 49,78%.
Vẫn biết đây là một con số khiêm tốn, nhưng bên cạnh những nguyên nhân chủ quan thì có những khó khăn khách quan rất cần giải pháp quyết liệt từ cơ quan cấp trên, sự phối kết hợp của các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức trong và ngoài nước có liên quan, đặc biệt là giải pháp gỡ nút thắt từ dự án thu gom và xử lý nước thải sử dụng nguồn vốn ODA.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào hạn chế, khó khăn; dám nghĩ, dám đề xuất, dám làm, dám chịu trách nhiệm, TP. Hạ Long mạnh bạo đưa ra phương án chi tiết điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; Điều chỉnh công nghệ xử lý nước thải; Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn bằng cách dừng vay vốn ODA, chuyển sang sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương (ngân sách thành phố) để thực hiện đầu tư dự án thoát nước và xử lý nước thải của TP. Hạ Long, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn TP. Hạ Long đạt trên 65%. So với mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hạ Long lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, mục tiêu này có thể chậm hơn, nhưng đây vẫn đang là phương án tối ưu nhất về thời gian.
Bước đề xuất mạnh bạo này nằm trong bài toán đầu tư đồng bộ, tiết kiệm. Hay nói cách khác, đầu tư hướng tới sự bền vững, hài hòa, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư; đầu tư trong tầm nhìn quy hoạch đô thị bền vững có tính đến các yếu tố ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai.
Tinh thần dám nghĩ, dám làm từ đội ngũ cán bộ UBND TP. Hạ Long và đội ngũ cán bộ các cơ quan chức năng của Hạ Long như truyền sang chúng tôi niềm tin, rằng thành phố sẽ sớm vượt qua khó khăn, nỗ lực đạt được những mục tiêu mong muốn. Niềm tin ấy được xây dựng không chỉ bằng những quyết tâm lớn, mà còn được minh chứng từ những điều giản đơn, như cái cách mà Tổ trưởng Tổ Công nghệ của Nhà máy xử lý nước thải Hà Khánh Đào Thị Tú Quyên chia sẻ, rằng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa xử lý nước thải không có nghĩa là phó mặc cho máy móc, chúng tôi luôn theo sát 24/24, khi quan sát bằng mắt thường có hiện tượng không ổn định sẽ lập tức điều chỉnh máy móc để đảm bảo chất lượng xử lý nước đạt các quy chuẩn kỹ thuật đề ra”. Hay như niềm tin mà Trưởng Ban quản lý dự án nước thải TP. Hạ Long Lê Duy Thắng đặt ở tương lai, rằng: “Dù “trên” triển khai dự án xử lý nước thải theo phương án nào thì chúng tôi vẫn mong muốn gắn bó với công việc này bằng niềm đam mê, bằng tình yêu, bằng trách nhiệm với môi trường nước của tỉnh và thành phố”.
Có câu “Càng ra biển lớn càng gặp sóng lừng”. Nhưng, chứng kiến tinh thần đoàn kết, sự chung sức đồng lòng, ý chí quyết tâm của các lãnh đạo thành phố, của đội ngũ cán bộ, nhân viên; và với những bước đi mạnh mẽ của TP. Hạ Long, chúng ta có quyền hy vọng về những mùa “quả ngọt” rất gần, và về một tương lai xán lạn. Trong tương lai, con rồng Hạ Long đạp sóng, cất cánh bay lên, sánh ngang tầm quốc tế.
Trình bày: TÙNG QUÂN