Đào rừng Sa Pa đang bị "tận diệt"

22/01/2014 00:00

(TN&MT) - Thú chơi đào rừng, đào nguyên gốc đã đẩy vùng đào tự nhiên Sa Pa bên bờ “tuyệt chủng”.

(TN&MT) - Chớm Tết năm nay, giá đào rừng ở Sa Pa đã bắt đầu “nóng” dần và nhiều người dự đoán giá sẽ còn lên cao hơn nữa vào những ngày áp tết và cứ tốc độ chặt phá như thế này, vùng đào cổ thụ Sa Pa sẽ bị xóa sổ. Đó là hậu quả của việc “tận diệt” không khoan nhượng mỗi dịp Tết Nguyên đán. Thú chơi đào rừng, đào nguyên gốc đã đẩy vùng đào tự nhiên Sa Pa bên bờ “tuyệt chủng”.
   
Một vườn đào ở Ô Quý Hồ (Sa Pa)
   
Đua nhau “triệt” đào rừng
  Những năm về trước đây, Ô Quý Hồ (thị trấn Sa Pa) và Tả Phìn là hai vùng đào cổ thụ có diện tích lớn nhất của huyện Sa Pa. Đào rừng với những gốc cây to như cái phích, thậm chí bằng cả cái xô sừng sững trên sườn núi. Mùa xuân Sa Pa trước kia đẹp lắm, khắp núi rừng rực rỡ sắc hồng của hoa đào.... Đó là lời kể của những người cao tuổi ở thôn Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa đã đưa chúng tôi trở về quá khứ của một Sa Pa xưa khác với Sa Pa bây giờ, một Sa Pa bồng bềnh mây trắng, một Sa Pa thắm sắc hoa đào xuân…
   
Vườn đào nhà ông Khao bị chặt phá không thương tiếc
   
  Trong ký ức của cụ bà người Mông Lý Thị Say (70 tuổi) thuở còn bé, Ô Quý Hồ của bà đẹp như tranh vẽ, núi rừng mùa xuân khoác trên mình màu áo phớt hồng. Đôi lúc có cơn gió thoảng qua khiến cánh đào rơi rụng vương trên mái tóc dài của những thiếu nữ Mông, Dao. Mỗi mùa đào chín, những đứa trẻ Ô Quý Hồ lại lên rừng hái quả đựng trong vạt áo đem về… Thế nhưng, ký ức đó giờ đã quá xa vời, Sa Pa bây giờ gần như đã “cạn kiệt” đào rừng. Khi mỗi dịp Tết đến, người ta lại kéo nhau vào rừng tìm và đào những gốc đào cổ thụ đem bán.
   
  Những ngày áp tết, dọc Quốc lộ 4D từ Sa Pa đi Lào Cai, người dân bản địa nhộn nhịp chở đào xuống bán. Đó là những cây đào họ vào tận rừng chặt về nên được gọi là “đào rừng”. Mấy năm nay, người thành phố chuộng loại đào này nhất, bởi gốc và cành rêu phong, cổ thụ; hoa đào nhiều, nở to, sắc đẹp. Nói chung nếu ai đã nhìn thấy đào rừng thì mê ngay và sẽ quên hẳn đào trồng.
   
  Dừng xe trên đường, canh lối rẽ vào xã Tả Phìn, chúng tôi thấy Châu A Lèng và Lý Seo Lao, đang lúi húi rỡ hai cây đào gốc to hơn bắp đùi mới bật rễ đặt dựa vào tấm hộ lan Quốc lộ 4D để bán. Mặc dù chủ nhân vừa mới đặt hai cây đào xuống nhưng đã có cả chục người vây quanh trả giá, người mua không phải dân địa phương mà toàn là những tay buôn đào dưới TP. Lào Cai và Vĩnh phúc thậm chí là Hà Nội. Ban đầu có người trả 2 triệu một cây, rồi có người trả 3 triệu, 5 triệu… Nhưng cuối cùng giá của cây đào nguyên rễ này được các tay buôn đào Vĩnh Phúc mua với giá 10 triệu đồng. Theo lời của Lý Sep Lao, để đào được cây đào rừng này, Lao và em trai phải lên núi tìm kiến và đào cả gốc mất 3 ngày mới đem được về.
   
  Cách đó không xa, từng đoàn người chở đào bằng xe máy, có những thân đào vẫn còn dính cây tầm gửi minh chứng cho khái niệm “đào rừng xịn”. Mỗi cành đào có giá dao động từ 400.000 đồng đến chục triệu đồng, thậm chí còn hơn thế, tùy theo thế cây và sự cổ thụ.
   
Một cây đào rừng bị đốn cụt dịp Tết năm 2013
   
  Việc người dân bản địa Sa Pa “diệt” đào rừng tận gốc khiến nó ngày càng cạn kiệt. Anh Hưng, một người dân xã Sa Pả cho biết: Những năm gần đây, thú chơi đào cổ, đào phai lên ngôi, lượng tiêu thụ loại đào này tăng mạnh. Với việc khai thác “tận diệt” như vậy, có lẽ một, hai năm tới, Sa Pa sẽ không còn đào rừng. Mọi năm, dọc đường từ Km32, Quốc lộ 4D lên thị trấn Sa Pa, đào rừng bày bán dài 2 -3 km, nhưng năm nay ít hẳn đi vì mấy năm qua, người dân đã ô ạt lên rừng chặt phá đào về bán tết.
   
  Theo quan sát của chúng tôi, đào rừng được người dân tập kết về hai bên đường dọc khu vực Ô Quý Hồ để bán cho các tay buôn đào ở các tỉnh đến mua gom và dùng ô tô chở về xuôi.
   
“Đào tặc” hoành hành, chính quyền bó tay
  Vừa kéo tấm bạt che lại túp lều coi đào, ông Nguyễn Văn Khao, một chủ vườn đào ở thôn Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa tâm sự: “Còn nhớ cách đây 5 năm, cứ mỗi dịp xuân về vùng đào rừng ở lưng đèo Ô Quí Hồ lại bung hoa nở đỏ thắm cả một vùng đồi núi chập trùng ngang sườn Phan Si Păng. Trên núi, trong rừng, trước nhà, sau nhà thắm sắc đào. Mùa xuân về, hoa đào nở rực hồng cả sườn núi, chứ không phải một Ô Quý Hồ thiếu sắc hồng như thực tại. Có lẽ, cả Sa Pa hiện nay chỉ có duy nhất vạt đồi của tôi là còn nhiều đào rừng nguyên sinh nhưng không biết rồi tôi có đủ sức để giữ nữa không, bởi vào dịp áp tết “đào tặc” từ tứ phía bủa vây vườn đào nhăm nhe đào trộm, cưa trộm. Hai năm nay, cứ giáp tết là tôi đã phải làm lều, cắm trại ở lại trên núi không phải để ngắm đào mà là để giữ đào; nhưng cũng không được, vì “đào tặc” vẫn tìm đủ cách để lấy trộm đào của ông.
   
Đào rừng vẫn ùn ùn xuống phố
   
  Cũng theo ông Khao, năm nay, đào tặc hoành hành giữ lắm, bởi đào rừng giờ đã cạn kiệt nên “đào tặc” đột nhập những vườn đào ăn quả của các trang trại hoặc các hộ dân ở các xã Trung Chải, Sa Pả, Tả Phìn và khu vực Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa để chặt hoặc đào trộm. Giáp tết, những người trồng đào lại thấp thỏm mất ăn, mất ngủ để bảo vệ vườn đào, thế nhưng nhiều vườn đào vẫn liên tục bị “đào tặc” cưa tận gốc.
   
  Năm nào cũng vậy, khoảng 20/12 âm lịch, ông Nguyễn Đức Khao tạm xa gia đình dắt chó ngược núi lên vườn đào dựng lán trông đào. Cả vườn đào rộng 2,8 ha của ông với gần 400 gốc đào ăn quả có tuổi thọ hơn hai mươi năm tuổi vẫn luôn bị “đào tặc” nhòm ngó. Đêm xuống, ông Khao phải cầm đèn pin đi tuần vườn đào vài lượt, gần sáng, ông mới chợp mắt được một lát. Tết năm ngoái, mặc dù canh phòng rất cẩn thận nhưng vườn đào của ông vẫn bị “đào tặc” bứng mất gần chục gốc và chặt mất hơn 20 cành.
   
  Năm nay, mặc dù ông vận động cả vợ lên canh đào nhưng cũng không coi được, trong hai ngày 19 và 20, “đào tặc” đã bứng của ông 5 gốc đào cổ thụ và cưa trộm gần chục cành đào. Dẫn chúng tôi đến tận những gốc đào mới bị cưa trộm, ông Khao xót xa: “Hết đào rừng rồi, chúng vào tận vườn cưa trộm”, nhiều lúc phát hiện “đào tặc”, ông Khao còn bị chúng dọa nạt.
   
Nhiều tư thương đánh cả xe tải lên Sa Pa mua gom đào mang về các tỉnh miền xuôi bán
   
  Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sa Pa, cho biết: Trước tình trạng người dân đua nhau lên rừng chặt phá đào hoang dã làm ảnh hưởng đến môi trường, làm thay đổi cảnh quan khu du lịch Sa Pa, nơi đã từng được mệnh danh là vùng đất của đào cổ thụ. ngành kiểm lâm, UBND huyện đã có những biện pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn này nhưng xem ra không có hiệu quả, nạn khai thác đào rừng vẫn tiếp tục diễn ra tràn lan, đào rừng vẫn “xuống phố” và việc kiểm tra, thu giữ đào rừng mà người dân bày bán đều không thu được kết quả, vì người bán đào khẳng định đó là đào do họ trồng.
   
  Được biết, năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện Sa Pa và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa đã triển khai một số chốt nhằm kiểm soát, ngăn chặn người dân lên rừng ở trong vùng lõi của vườn chặt đào và lấy cây cảnh nhưng do địa bàn quá rộng nên đào rừng vẫn chảy máu. Dưới phố huyện Sa Pa, dọc đường từ thị trấn Sa Pa ra TP. Lào Cai người dân vẫn bày bán đào rừng đông như hội, thậm chí nhiều đầu nậu còn mua gom đào rồi dùng xe tải chở về các tỉnh đồng bằng bán kiếm lời. Hậu quả của nạn “tận diệt” đào rừng đã làm cảnh quan của Sa Pa thay đổi.
   
  Sa Pa từ lâu đã được mệnh danh là xứ hoa đào vùng Tây Bắc, vào mùa xuân, du khách nào đã đến Sa Pa đều không thể không đến các vườn đào xuân ở những điểm du lịch nổi tiếng như Khu du lịch Hàm Rồng, Cát Cát, Vườn Quốc gia Hoàng Liên và đặc biệt là những khu đào rừng nổi tiếng ở Tả Phìn, Ô Quý Hồ, Trung Chải… Hoa đào được ví như sắc hoa riêng Sa Pa. Vì thể việc bảo vệ, bảo tồn đào rừng Sa Pa cần được chính quyền và nhân dân quan tâm. Rồi đây, nếu tình trạng khai thác kiểu “tận diệt” đào rừng thì mỗi dịp xuân về sẽ không còn được thấy đào nở hoa trên chính mảnh đất khởi nguyên của nó.
Quốc Khánh

   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào rừng Sa Pa đang bị "tận diệt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO