Đảo Phú Quý (Bình Thuận): Ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường

24/09/2013 00:00

Huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) nằm trong khu vực khô hạn của Nam Trung Bộ, nhiệt độ cao, thường xuyên chịu tác động của bão.

Huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) nằm trong khu vực khô hạn của Nam Trung Bộ, nhiệt độ cao, thường xuyên chịu tác động của bão. Khu vực này càng trở nên khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất, đời sống của người dân nơi đây. Vì vậy, Phú Quý được chọn triển khai dự án "Tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu", nhằm bảo tồn những tiềm năng hiện có của đảo. 
   
  Ông Hà Sông Lô, Phó Bí thư Huyện ủy Phú Quý cho biết: Những năm qua, thời tiết trong khu vực và trên đảo thay đổi bất thường, nắng nhiều, mưa ít; bão, áp thấp nhiệt đới, giông, lốc xoáy thường xuyên xuất hiện với cường độ ngày càng mạnh; triều cường, nước biển xâm thực gây sạt lở, làm nhiều gia đình sinh sống ven bờ biển phải di dời, tái định cư, gây khó khăn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống nhân dân. 
   
  Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho thấy, trong 30 năm qua, nhiệt độ và lượng mưa trung bình năm của đảo Phú Quý có xu hướng tăng so với giai đoạn 1980-1999. Phú Quý có nhiệt độ trung bình nhiều năm là 27,4oC, tổng lượng mưa trung bình hàng năm là 1.314 mm. Sự thay đổi của khí hậu và mực nước biển dâng cao đã làm tình trạng xói lở diễn ra với mức độ ngày càng lớn. Huyện đảo Phú Quý hiện có hơn 10 khu vực bị xâm thực với tốc độ cao, từ 3 - 5 m/năm; trong đó có một số đoạn xung yếu bị xâm thực nặng với tổng chiều dài trên 1.500 m. Hiện tượng sạt lở cũng diễn ra mạnh từ khu vực núi Cao Cát kéo dài đến khu vực bãi Triều Dương… 
   
  Là một hòn đảo với diện tích không lớn và xa đất liền, nước ngọt dành cho sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ là yếu tố, điều kiện vật chất có ý nghĩa quyết định bậc nhất đối với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống đối với nhân dân trên đảo. Theo nhận định ban đầu, hiện tượng xói lở, nhiễm mặn có nguy cơ gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Với đặc thù không có dòng chảy mặt, tài nguyên nước ngầm của đảo Phú Quý cần phải được đặc biệt quan tâm trong tương lai.
   
  Ông Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, nhận thức về tác hại biến đổi khí hậu và môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân trên đảo, những năm qua, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường của huyện đảo từng bước có chuyển biến tích cực. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, tuyệt đối nghiêm cấm dưới mọi hình thức các hoạt động khai thác, đánh bắt nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái biển bằng phương pháp hủy diệt; nghiêm cấm việc khai thác cát, san hô nơi bờ biển; cấm khoan, đào giếng tự phát…
   
  Nhằm giúp huyện đảo đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu, từ đó đề ra các biện pháp thích ứng có tính khả thi cho từng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên nước... Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đã xây dựng 6 danh mục dự án ưu tiên triển khai tại huyện đảo Phú Quý gồm: Điều tra, đánh giá và quy hoạch khai thác, sử dụng tiềm năng năng lượng tái tạo trên đảo Phú Quý, phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; quy hoạch tổng thể tài nguyên nước và đề xuất các giải pháp phát triển, khai thác, sử dụng và quản lý tổng hợp tài nguyên nước; xây dựng và quảng bá du lịch thân thiện với môi trường cho đảo Phú Quý, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; dự án xây dựng mô hình nuôi trồng thủy hải sản trên đảo Phú Quý trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nâng cao năng lực y tế huyện đảo trong bối cảnh biến đổi khí hậu; nâng cấp hệ thống cảng biển và đội tàu trên tuyến giao thông đường thủy Phan Thiết - Phú Quý trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.   
   
  Theo ông Hà Sông Lô, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, huyện đảo Phú Quý được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản, du lịch và hàng hải. Đây cũng là vùng biển có các hệ sinh thái rạn san hô và cỏ biển, một điều kiện thuận lợi để duy trì nguồn lợi hải sản. Việc nhận thức được các tác động của biến đổi khí hậu để kịp thời điều chỉnh quản lý tổng hợp vùng ven biển sẽ tạo lợi thế phát triển, đồng thời vẫn bảo tồn được những tiềm năng hiện có của huyện đảo. 
   
Nguyễn Thanh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảo Phú Quý (Bình Thuận): Ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO