Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại 4 địa phương

Mai Đan| 15/12/2021 18:18

(TN&MT) - Chiều 15/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với các mỏ ở 4 địa phương: Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Nam và Thái Nguyên.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò nước khoáng nóng tại khu vực Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, ông Tô Xuân Bản – đại diện Công ty cổ phần tư vấn Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn) cho biết, kết quả thăm dò cho thấy tổng trữ lượng và tài nguyên tại vị trí NL2/1 cấp B + C1 là 1.497 m3/ ngày, trong đó trữ lượng thăm dò cấp B là 600 m3/ngày, tài nguyên dự tính cấp C1 là 897 m3/ngày.

Bà Đỗ Thị Hương Lan, đại diện Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, trữ lượng cấp B đã tính ở trên đạt mục tiêu thăm dò nước khoáng. Trong quá trình khai thác nước khoáng, chủ đầu tư cần có những biện pháp kỹ thuật hợp lý, tiến hành quan trắc theo yêu cầu chuyên môn; định kỳ lấy mẫu phân tích theo dõi sự ổn định chất lượng nước khoáng theo thời gian; áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước khoáng trong khu vực theo quy định.

Báo cáo kết quả thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại mỏ Trại Sơn C, xã An Sơn và xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, ông Lê Thái Bình – đại điện Công ty cổ phần Tư vấn Khảo sát Thiết kế và Xây dựng Mỏ - Địa chất (đơn vị tư vấn) cho biết: Mỏ đá vôi Trại Sơn C đã được Bộ TN&MT phê duyệt cấp Giấy phép khai thác năm 2007 với diện tích 11,88 ha; trữ lượng khoảng 15,8 triệu tấn, cốt cao khai thác từ mặt địa hình xuống +5m. Đến nay, mỏ này đã được Công ty khai thác đến phần địa hình cốt +5m. Để có nguyên liệu đá vôi sản xuất xi măng, UBND TP. Hải Phòng và Bộ TN&MT đã đồng ý để Công ty xi măng Phúc Sơn được thăm dò trên diện tích 46 ha với chiều sâu từ +5m xuống -30m.

Ông Phạm Văn Hưng - Đại diện Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nhận xét, kết quả thăm dò đã cơ bản làm rõ được các đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn – địa chất công trình, điều kiện khai thác mỏ, đánh giá được chất lượng, trữ lượng đá vôi, sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu thăm dò. Trong đó, phần trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng từ +5m trở lên trong diện tích thăm dò (không tính phần nằm trong Giấy phép khai thác năm 2007 của Bộ TN&MT) là 2.342 nghìn tấn.

Báo cáo kết quả thăm dò đá vôi và đá dolomit tại khu vực xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam làm nguyên liệu sản xuất vôi, dolomit nung công nghiệp, ông Hoàng Quang Nam – Đại diện Công ty CP tư vấn tài nguyên môi trường và đầu tư khai khoáng (đơn vị tư vấn) cho biết: Kết quả công tác thăm dò cho thấy trữ lượng đá vôi nung ở cấp 121 + 122 là 8.224 nghìn tấn, trong đó cấp 121 là 1.048 nghìn tấn, cấp 122 là 7.176 nghìn tấn. Trữ lượng đá dolomit nung ở cấp 121 + 122 là 50.049 nghìn tấn, trong đó cấp 121 là 8.758 nghìn tấn, cấp 122 là 41.291 nghìn tấn. Trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường toàn mỏ là 16.303 nghìn m3, trong đó khu 1 là 7.745 nghìn m3, khu 2 là 8.558 nghìn m3.

Theo đại diện Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, đơn vị tư vấn đã tổng hợp đầy đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá được quy mô, chất lượng đá vôi và dolomit trong diện tích thăm dò. Trong quá trình khai thác, cần tiếp tục nghiên cứu sử dụng phần đá dolomit có kích thước < 3cm đối với lĩnh vực làm phụ gia cho luyện kim để nâng cao giá trị kinh tế của mỏ. Đồng thời, chú ý hàm lượng MgO của vôi nung khi sản phẩm này có hàm lượng MgO khá cao so với TCVN 2231:2016 – Vôi canxi cho xây dựng.

Quang cảnh cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò than mỏ Khánh Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, bà Lê Thị Tuyết – Công ty CP Địa chất Việt Bắc - TKV, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, đơn vị đã tập trung tổng hợp, chỉnh lý cấu trúc địa chất, xác định sự tồn tại và mức độ duy trì của các vỉa than, tổng hợp và đánh giá tổng quát về đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình, khí mỏ, xác định trữ lượng và tài nguyên than khu mỏ Khánh Hòa đáp ứng yêu cầu thiết kế khai thác mỏ.

Trữ lượng, tài nguyên trong phạm vi Giấy phép thăm dò khoáng sản số 2068/GP-BTNMT từ lộ vỉa đến mức cao -1.358m (không kể trữ lượng, tài nguyên trong phạm vi các Giấy phép khai thác đã cấp) là 62.110 nghìn tấn, trong đó, trữ lượng cấp 122 là 54.653 nghìn tấn, tài nguyên cấp 333 là 7.457 nghìn tấn.

Qua kết quả kiểm tra, thẩm định báo cáo trên, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nhận định, báo cáo đã thu thập, tổng hợp đầy đủ tài liệu thăm dò, xác định được cấu trúc địa chất mỏ, đặc điểm phân bố các vỉa than, đánh giá được chất lượng và tính trữ lượng, tài nguyên than trong diện tích thăm dò. Trữ lượng đạt mục tiêu đề án đặt ra.

Tuy nhiên, do mạng lưới thăm dò không đồng đều, cấu trúc các vỉa than không ổn định nên các khối tính trữ lượng cấp 122 sẽ có độ tin cậy rất khác nhau. Vỉa 16 hai cánh nếp uốn một số khối trữ lượng cấp 122 có độ tin cậy thấp cần thăm dò bổ sung trước khi khai thác.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên – Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia và các thành viên Hội đồng đã thông qua trữ lượng đã tính trong các báo cáo trên.

Riêng đối với báo cáo kết quả thăm dò than mỏ Khánh Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư (TKV) và đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm về địa chất thủy văn – địa chất công trình, khai thác khí mỏ. Đồng thời, TKV cần xem xét toàn diện quy mô tài nguyên trữ lượng mỏ để có định hướng khai thác hợp lý nhất trong thời gian tới, đảm bảo khai thác tài nguyên tối đa vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại 4 địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO