Đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng: Tăng nguồn năng lượng dự trữ quốc gia

Mai Đan| 10/12/2020 10:43

(TN&MT) - Liên đoàn INTERGEO cùng các đơn vị địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Dầu khí, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã hoàn thành Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng”.

Sử dụng đồng bộ hệ phương pháp để hoàn thành tốt mục tiêu

Theo đánh giá, những kết quả của Đề án có ý nghĩa quan trọng, giúp đánh giá đúng, đủ và tin cậy tài nguyên than bể Sông Hồng trong phần đất liền và dự báo tài nguyên than còn phân bố ở phần sâu dưới vịnh Bắc Bộ.

Đối với việc điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than ở phần đất liền bể Sông Hồng, Đề án có mục tiêu và các nhiệm vụ chính như: Đánh giá tiềm năng than và các khoáng sản đi kèm (nếu có) trên diện tích 265 km2, trong đó phần ngoài đê chắn sóng là 75 km2. Mục tiêu tài nguyên than cấp 333 đạt 3 tỷ tấn.

Đồng thời, điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng trên diện tích 2.765 km2 các cấp (333+ 334a+ 334b) đạt 210 tỷ tấn. Ngoài ra, xác lập các thông số cơ bản của phương pháp khí hóa than ngầm phục vụ định hướng công tác thăm dò, khai thác và sử dụng hợp lý than ở bể than Sông Hồng.   

Để giải quyết các mục tiêu và nhiệm vụ trên, Đề án đã sử dụng đồng bộ hệ phương pháp đã được Bộ TN&MT phê duyệt gồm: trắc địa, địa vật lý, khoan máy, lấy, phân tích các loại mẫu vật và nghiên cứu các chuyên đề.

Đề án được triển khai từ năm 2012 - 2020. Là đơn vị được giao chủ trì, thực hiện, Liên đoàn INTERGEO đã nỗ lực triển khai Đề án ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ. Cụ thể, năm 2015 theo yêu cầu của Bộ TN&MT, Liên đoàn INTERGEO đã lập "Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá nguyên than khu ven biển Đông Nam Tiền Hải, tỉnh Thái Bình" trên diện tích 20 km2 làm cơ sở để Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập "Đề án thăm dò than khu ven biển Đông Nam Tiền Hải, tỉnh Thái Bình".

          Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng.            Ảnh minh họa

Ứng dụng đa phương pháp và đạt hiệu quả cao

Theo ông Đồng Văn Giáp - Liên đoàn trưởng Liên đoàn INTERGEO, việc thi công Đề án này đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, đã làm rõ thêm cấu trúc địa chất chứa than ở phần đất liền bể Sông Hồng chứa than, cụ thể, xác định chính xác vị trí các đứt gẫy phương Tây Bắc - Đông Nam: Vĩnh Ninh, Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Bình, cùng bề rộng của chúng. Các đứt gẫy phương Đông Bắc - Tây Nam có vai trò phân chia các khối, tạo nên đặc điểm cấu trúc nâng sụt dạng dải - khối tảng, có xu hướng chìm sâu dần về phía biển. Cùng với đó, làm rõ được quy mô và đặc điểm hình thái của các nếp lồi Tiền Hải, Kiến Xương, nếp lõm Kiến Xương - Tiền Hải góp phần khoanh định có cơ sở các tập vỉa và vỉa than.

Quá trình thi công Đề án cũng đã xác định các tầng trầm tích chứa than và các vỉa than; đã sơ bộ đánh giá được đặc điểm địa chất thủy văn, địa chất công trình của tầng chứa than và trên than. Hơn nữa, các nghiên cứu bước đầu đã sơ bộ đánh giá được khả năng sử dụng các công nghệ khai thác than mới tại bể Sông Hồng. Đặc biệt, ngoài tài nguyên than, vùng điều tra có tiềm năng tài nguyên địa nhiệt cần tiếp tục điều tra để làm rõ khả năng sử dụng chúng.

“Đây là lần đầu tiên một Đề án điều tra, đánh giá tài nguyên than ở Việt Nam được ứng dụng phương pháp đo địa chấn 2D, VSP và đạt hiệu quả cao, giúp xây dựng cấu trúc địa chất (các đứt gãy, nếp uốn); phân chia và liên kết các tập vỉa than, vỉa than có cơ sở tin cậy mà trước đây chỉ có phương pháp khoan rất tốn kém mới giải quyết được”, ông Đồng Văn Giáp nhấn mạnh.

Để có cơ sở quy hoạch hoạt động thăm dò than trên diện tích bể Sông Hồng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn INTERGEO cho rằng, cần thực hiện công tác điều tra, đánh giá tương tự như đề án này trên các diện tích có triển vọng (ngoài 265 km2 đã được đánh giá) như: dải Tiên Lữ - Phù Cừ - Đông Hưng; dải Vũ Thư - TP. Thái Bình - Tây bắc Kiến Xương - Giao Thủy và trên diện tích ở phần ngoài đê chắn sóng, để có cơ sở tài nguyên chuyển giao thăm dò, thử nghiệm khai thác, chế biến than theo công nghệ khí hóa than ngầm (UGC) và để tăng nguồn tài nguyên năng lượng dự trữ quốc gia.

Liên đoàn đã phối hợp với Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện các chuyên đề: "Đặc điểm thạch học, tướng đá của các trầm tích chứa than khu vực các huyện Kiến Xương, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và Giao Thủy (tỉnh Nam Định)” và "Lập sơ đồ cấu trúc kiến tạo các thành tạo chứa than phần đất liền bể Sông Hồng”.

Liên đoàn cũng phối hợp với các đơn vị và các tổ chức khoa học: Trung tâm Nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò và khai thác Dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam (EPC), Công ty TNHH MTV Địa chất mỏ - TKV, Tổng hội Địa chất Việt Nam, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc thực hiện Đề án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng: Tăng nguồn năng lượng dự trữ quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO