Đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai năm 2022

Thúy Nhi| 18/11/2022 16:09

(TN&MT) - Để kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, hệ thống thông tin đất đai, hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, ngày 18/11, tại Khánh Hòa, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Đánh giá hiệu quả hoạt động và tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai năm 2022”.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trực tiếp có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam; lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công an, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, Giám đốc Văn phòng, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của 17 tỉnh, thành phố. Đồng thời, Hội nghị có hơn 600 điểm cầu của 63 Sở TN&MT, Văn phòng, Chi nhánh Văn phòng thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước.

img_4314.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Anh Tuấn và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Mai Văn Phấn chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ cùng các Bộ, ngành và UBND các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc thành lập, kiện toàn và hoàn thiện hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai. Đến nay, cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành phố thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai.

Thứ trưởng khẳng định, việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành Quản lý đất đai, thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cơ bản được bảo đảm đúng quy định; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 5 - 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt trên 97% (so với tổng kết hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai năm 2021 là 95%) so với quy định, việc cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu được tăng lên. Số thủ tục hành chính đã được lồng ghép hoặc liên thông chỉ còn 41 thủ tục (giảm 21 thủ tục so với địa phương chưa thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai).

img_4284.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị

Thời gian giải quyết thủ tục đã được rút ngắn đáng kể từ 15 - 45% so với trước đây; số ngày giải quyết hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; quy trình cung cấp dịch vụ được minh bạch và trách nhiệm hơn qua đó cải thiện sự tham gia và phản hồi tích cực từ các bên liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức, hoạt động hiện nay của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia nhằm thực hiện giải quyết tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đáp ứng công tác quản lý vận hành và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị, các đại biểu chỉ rõ những kết quả, những hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai từ khi thành lập đến nay. Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, cơ sở làm việc, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt, công tác đăng ký đất đai, cấp GCN; đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và tiến tới thực hiện đăng ký đất đai trên môi trường điện tử.

img_4305.jpg
Ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai trình bày Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai trên toàn quốc

Theo ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, hiện Văn phòng và các chi nhánh chưa được giao đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện tất cả các công việc mang tính dịch vụ công liên quan đến đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ (công việc phục vụ cho quản lý Nhà nước hoặc cho nhu cầu của người sử dụng đất); gây khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, kéo dài thời gian và tăng thêm chi chí thực hiện và làm cho tính chuyên nghiệp của hệ thống cơ quan đăng ký đất đai chưa được phát huy triệt để.

img_4336.jpg
Các đại biểu thảo luận về chuyên môn, nghiệp vụ về hoạt động tác Văn phòng trong thời gian qua, đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của hệ thống Văn phòng phần lớn các địa phương còn rất thiếu về số lượng và nhiều cán bộ chuyên môn còn yếu năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, các Chi nhánh Văn phòng không phải là một tổ chức pháp nhân độc lập mà là đơn vị trực thuộc Văn phòng hoạt động theo cơ chế phụ thuộc (chịu sự quản lý chung về nhân lực, tài chính, tài sản của Văn phòng. Tuy nhiên, Chi nhánh Văn phòng có một số thẩm quyền, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm độc lập so với Văn phòng (thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, xác nhận thay đổi vào GCN, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai đối với các trường hợp của hộ gia đình, cá nhân) dẫn tới một số bất cập…

Cũng theo Cục trưởng Cục Đăng ký, Nghị quyết 18-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu “Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông”, đồng thời, cũng định hướng nhiệm vụ cụ thể là “tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai. Có cơ chế đầu tư, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, công chức ngành quản lý đất đai; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại.”.

Do đó, đã đến lúc cần xem xét đánh giá cụ thể hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay của hệ thống này trên địa bàn cả nước, phù hợp với xu thế quản lý đất đai của các nước tiên tiến trên thế giới sẽ và phải đáp ứng các yêu cầu của một hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, hiệu quả.

Cụ thể, hồ sơ địa chính đảm bảo sự sự nhất quán, chính xác và an toàn; đảm bảo sự minh bạch và đơn giản của thủ tục hành chính; đảm bảo tính thống nhất; sự công bằng, thuận tiện, và kịp thời trong việc đăng ký đất đai và tiếp cận thông tin đất đai; tăng cường tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới đối với đội ngũ nhân lực làm công tác đăng ký; chi phí hoạt động thấp thông qua việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu; đảm bảo sự bền vững và ổn định qua việc xây dựng một cơ chế tài chính phù hợp, tạo nguồn thu để vận hành, nuôi dưỡng và phát triển cho toàn hệ thống, đảm bảo sự ổn định của hệ thống đăng ký đất đai.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các các Báo cáo: Triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai theo Quyết định số 06/QĐ-TTg và Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Trao đổi về thủ tục hành chính đất đai khi thực hiện bỏ sổ hộ khẩu giấy theo quy định của Luật Cư trú; Báo cáo các vấn đề mới trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi…

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ cấu tổ chức, cơ sở làm việc, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt công tác đăng ký đất đai, cấp GCN; đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho hoạt động của các Văn phòng Đăng ký đất đai, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ kho khăn, vướng mắc… để hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO