Đánh giá hiện trạng ô nhiễm tại các bãi chôn lấp ở các địa phương
(TN&MT) - Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các địa phương tổng hợp và đánh giá hiện trạng ô nhiễm do các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Từ đó, đưa ra hướng dẫn để các địa phương xử lý ô nhiễm, cải tạo các bãi chôn lấp này, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
Theo phản ánh của cử trỉ tỉnh An Giang, hiện nay, lượng rác thải từ sinh hoạt của người dân và các cơ sở sản xuất phát sinh ngày càng nhiều, gây quá tải cho các bãi rác tạm thời, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Trong khi đó, các nhà máy xử lý rác chưa đi vào hoạt động hoặc hoạt động chưa hiệu quả, đồng thời địa phương cũng chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào các hoạt động này.
Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường hướng dẫn việc xử lý rác thải tại các bãi rác tạm thời, phối hợp với các địa phương xây dựng chính sách thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh hoạt của người dân.
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt số 9368/BTNMT-KSONMT.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có khoảng 1.700 cơ sở xử lý rác thải, với hơn 1.200 bãi chôn lấp, tăng khoảng 120 bãi so với năm 2019. Trong đó, riêng lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trong cả nước khoảng 67.000 tấn/ngày và có khoảng 64% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, giải pháp này còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường, nhất là nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nơi có địa điểm chôn lấp rác thải.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định: Nội dung về yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
Cùng với đó là quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; Phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.
Triển khai thực hiện các quy định trên, đồng thời, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, tổng hợp và đánh giá hiện trạng ô nhiễm tại các bãi chôn lấp. Từ đó, đưa ra hướng dẫn để địa phương xử lý ô nhiễm, cải tạo các bãi chôn lấp, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ môi trường đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Nhằm giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom đến năm 2025 là dưới 30%, đến năm 2030 là dưới 10%.