Dầm mình vớt “lộc biển” trên đầm Nước Mặn

Huỳnh Lệ| 11/05/2020 17:36

(TN&MT) - Theo nhịp đập lên xuống đập của từng con sóng, những ngày này, người dân sống ven đầm Nước Mặn ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi lại í ới rủ nhau đi vớt rong câu (rau câu) để kiếm thêm thu nhập. Buộc sợi dây nối với chiếc thùng xốp nhỏ vào ngang lưng, hành trình của họ bắt đầu.

Người dân ngụp lặn trên đầm Nước Mặn để vớt rong câu

Dầm mình trong nước

Vầng đông vừa ló dạng, những người dân ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi lại í ới nhau xuống đầm Nước Mặn vớt rong câu, người thì chèo thuyền, kẻ lội bộ. Chẳng dụng cụ xách mang cồng kềnh. Chỉ với chiếc thùng xốp, bao tải để đựng rong và cái dạ dày đủ no là họ có có thể ra đầm dầm mình mưu sinh.

Mỗi người chọn một hướng, nhưng với kinh nghiệm cứ tìm điểm nào có làn nước màu đen là dừng lại để lặn vớt. Rong câu ở đó nằm từng mảng và dày. Chỉ cần tìm đến 3 đến 4 điểm như vậy là trong ngày đã có “lộc biển”.

Buộc ngang lưng sợi dây nối với chiếc thùng xốp nổi trên mặt nước, bà Nguyễn Thị Chín 60 tuổi trú ở thôn Thạnh Đức 1 vội ngụp đầu xuống nước để vớt mớ rong câu dưới chân mình lên trên mặt nước. Nhúng số rong câu ấy thêm vài lượt dưới nước để làm sạch, bà Sáu đặt mớ rong câu vào thùng xốp mang theo.

Nhiều người còn dùng cả ghe lớn để chứa được nhiều rong hơn

Trải qua hơn một nữa cuộc đời, gắn bó hàng chục năm, kiếm sống nhờ những “đặc ân” của đầm Nước Mặn, bà Chín cho biết: “Từ tháng Giêng đến hết tháng 5 (âm lịch) hàng năm là thời điểm rong câu vào mùa rộ nhất. Nghề này là “lộc” mà đầm Nước Mặn ban cho, không phải mất công nuôi trồng, chăm sóc. Cứ đến mùa là đi lặn vớt. Năm nay, thời tiết thuận lợi rong câu xuất hiện nhiều nhất trong 6-7 năm trở lại đây nên ai cũng phấn khởi”.

“Vớt rong câu dễ lắm. Không có đàn ông, phụ nữ như bọn tôi vẫn làm được. Chỉ cần dắt thùng xốp đi bên mình và vớt rong câu cho vào là xong. Tuy nhiên, năng suất lại không bằng mấy ông vì phụ nữ yếu sức hơn. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, mình đi vớt rong câu kiếm thêm thu nhập phụ gia đình thôi”, bà Chín nói.

Ở cạnh đó không xa vợ chồng ông Phan Thẩm 50 tuổi cũng đang dùng chân dò dẫm để tìm rong câu. Thấy chúng tôi tò mò về cách nhận biết rong câu bằng chân, ông Thu cười nói: “Rong câu câu khi chạm chân trúng sẽ có cảm giác nhám. Những thứ linh tinh khác dưới chân cho cảm giác trơn nhớt thì chỉ có thể là rêu hay là rác. Cứ theo kinh nghiệm ấy mà làm thì chẳng sai bao giờ”.

Sau khi được vớt lên bờ, rong câu được người dân mang phơi khô

Đang là thời điểm rong câu xuất hiện rộ trên đầm Nước Mặn nên mỗi ngày có hàng chục hộ dân khai thác rong câu trên vùng đầm này. Thành quả sau những giờ lao động cần mẫn là những bao tải, thùng xốp chứa đầy rong câu. Họ rửa sạch, lọc đất, bùn, rác rồi chở về phơi khô để bán cho các thương lái thu mua.

Nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu

Trung bình mỗi buổi vớt rong câu kéo dài tầm 3-4 tiếng, mỗi người có thể vớt được hơn 1 tạ rong câu tươi mang về phơi khô, với 30 kg rong câu tươi phơi khô ngót lại chỉ còn một ký rong câu thành phẩm, mỗi ngày thu được 2-3kg rong khô.

Tính giá từ 130 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg (tùy theo chất lượng rong khô) như hiện nay, một người cũng có nguồn thu nhập 260  nghìn - 300 nghìn đồng/ngày, đủ chi phí trang trải cuộc sống trong thời buổi khó khăn như hiện nay.

Nụ cười rám nắng với thành quả sau một buổi vất vả mưu sinh trên đầm.

Mệt nhọc sau hơn 4 giờ đồng hồ vớt rong câu, kéo 3 bao rong chừng hơn 100kg men theo con nước vào bờ. Ông Nguyễn Thu, 40 tuổi trú ở thôn Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh cho biết, mỗi ngày ông đi từ 5 giờ sáng đến 9 giờ thì vào bờ do thủy triều lên. Số rong câu vừa vớt được, ông rửa sạch qua mấy lần nước rồi mang về nhà phơi khô.

Gắn bó với nghề khai thác rong câu nhiều năm qua, ông Thu bộc bạch: “Chính nhờ nghề này mà gia đình ông có thêm nguồn thu nhập. Công việc vớt rong câu đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó mới làm được”. Vậy nên, những bữa rong câu trĩu cả thùng xốp, ông và những người ở đây dường như quên hết cái nắng chói chang trên đầu và luồng nước đang thấm vào người bên dưới. Nụ cười rám nắng cũng vì thế mà miên man mãi theo con nước trên đầm.

Theo ông Thu, rong câu sau khi vớt muốn nó sạch, đẹp màu, ngoài khâu rửa sạch trong nước ngay tại lúc vớt, về nhà còn phải chịu khó trải thành lớp mỏng phơi, trở qua nhiều nắng. “Phơi rong câu cũng giống như phơi lúa, không được để mắc mưa, kẻo rong câu rã ra thì coi như mất hết công sức ngụp lặn giữa đầm của mấy hôm trước. Khi vớt lên rong câu có màu đen, phơi khoảng 2 nắng 2 sương thì có màu tím. Lúc chuyển sang màu tím là lúc bắt đầu giặt thêm mấy bận nước cho thật sạch rồi phơi khô. Rong câu thành phẩm có màu vàng nhạt”, ông Thu nói.

Bình quân 30 kg rong câu tươi đem phơi còn khoảng 1 kg khô

Người dân nơi đây đều cho rằng nhờ đầm mà họ không đói. Nhưng ai muốn bám đầm, thì phải dầm mình trong nước. Số đông những người dầm mình trong nước để nhặt “lộc đầm” ở nơi đây đều đã lớn tuổi. “Ngâm mình trong nước nhiều ở cái tuổi 60 - 70 này là điều không tốt. Chúng tôi biết vậy nên thường nhắc nhở nhau chỉ nên ngâm trong nước tối đa chừng 3 - 4 giờ đồng hồ. Nhiều lúc, trúng phải chỗ rau câu nhiều, nhiều người cố vớt quên thời gian là rất dễ bị ngộp, dẫn tới nguy hiểm tính mạng”, ông Thu chia sẻ.

Rong câu là loại rong biển giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng để chế biến thực phẩm như thạch rau câu, nước giải khát,… được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau khi thành phẩm rong câu luôn có thương lái thu mua vận chuyển đến các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc tiêu thụ. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng như hiện nay, rong câu được xem là loại thực phẩm “vàng” giúp giải nhiệt rất tốt.

Không rủi ro, chẳng tốn kém tiền vật tư, phân bón, rong câu lại có “đầu ra” và giá cả ổn định, cái nghề “làm chơi, ăn thiệt” này trở thành một nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ dân sống ven đầm Nước Mặn mùa nắng nóng. Chính vì vậy, mà ngoài những hộ dân chuyên mưu sinh bằng nghề này còn có nhiều người làm nghề thả lờ, lưới cá trên đầm cũng chuyển sang khai thác rong câu để kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dầm mình vớt “lộc biển” trên đầm Nước Mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO