Trong nước

Đắk Lắk vững bước với triết lý 'bản sắc - sinh thái - kết nối sáng tạo'

Theo Chinhphu.vn 18/01/2024 - 07:57

Dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 17/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Đắk Lắk, cũng như các tỉnh Tây Nguyên cần nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giải quyết "bài toán" về đất – nước – rừng, tầm quan trọng của hạ tầng kết nối nội tỉnh, nội vùng và giữa Tây Nguyên với các vùng khác, và quốc tế.

Đắk Lắk vững bước với triết lý 'bản sắc - sinh thái - kết nối sáng tạo'- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tây Nguyên, cũng như Đắk Lắk cần tận dụng lợi thế "đi sau" trong phát triển và bảo vệ môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, văn hoá - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Khẳng định vị thế thủ phủ của Tây Nguyên

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, nhiều lợi thế so sánh để phát triển trong nhiều lĩnh vực. Đó là diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, trong đó trên 40% diện tích là đất bazan màu mỡ, thuận lợi cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây công nghiệp, cây ăn trái theo hướng hữu cơ,...

Số ngày nắng dài, bức xạ nhiệt lớn, tốc độ gió cao để sản xuất điện gió, điện mặt trời. Hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, phong phú, văn hóa đa dạng với nhiều dân tộc cùng sinh sống là nền tảng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, văn hoá.

Ngoài ra, Đắk Lắk còn được biết đến là thủ phủ cà phê của vùng Tây Nguyên và cả nước; thành phố Buôn Ma Thuột được biết đến với thương hiệu "thành phố cà phê của thế giới".

Đặc biệt, Đắk Lắk còn là miền đất của sử thi, của truyền thống anh hùng cách mạng; trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội về chia tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; với sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, cùng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là nỗ lực vượt khó để xây dựng và phát triển quê hương của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đến nay vị thế phát triển, diện mạo của tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống của nhân dân, đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt.

Trong vài năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế đều đạt khá, cao hơn bình quân chung cả nước, đạt 7,07%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.301 triệu USD (bằng 122,2% kế hoạch 5 năm); tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 278.347 tỷ đồng (bằng 58,43% kế hoạch 5 năm).

Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các vùng, khu vực gắn với các dự án quan trọng được phê duyệt, như tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, đường Trường Sơn Đông và các dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 29, tỉnh lộ 1, 2, 3,...

Các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội được bảo đảm; đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt; nền quốc phòng - an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố.

Bên cạnh đó, hoạt động cải cách hành chính được chú trọng; hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt; phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.

Đắk Lắk vững bước với triết lý 'bản sắc - sinh thái - kết nối sáng tạo'- Ảnh 2.
Đắk Lắk vững bước với triết lý 'bản sắc - sinh thái - kết nối sáng tạo'- Ảnh 3.
Đắk Lắk vững bước với triết lý 'bản sắc - sinh thái - kết nối sáng tạo'- Ảnh 4.

Đắk Lắk vững bước với triết lý 'bản sắc - sinh thái - kết nối sáng tạo'- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm khu trưng bày các sản phẩm OCOP của Đắk Lắk tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Khơi thông nguồn lực, tiềm năng, tạo ra cơ hội phát triển mới

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk được xây dựng với triết lý 'bản sắc - sinh thái - kết nối sáng tạo', dựa trên những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, con người ở "thủ phủ" Tây Nguyên, nhằm cụ thể hoá chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đắk Lắk phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 11%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng. Tỉ lệ đô thị hoá đạt 47%. Độ che phủ rừng ổn định ở mức 42-44%.

Phó Thủ tướng cho biết, đây là lần đầu tiên cả nước hình thành đồng bộ hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành quốc gia và quy hoạch địa phương. Đây là bộ công cụ quan trọng để xác định phương án phân bổ nguồn lực tốt nhất trong tầm nhìn tổng thể để phát triển đồng bộ.

Đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đắk Lắk, cùng sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong xây dựng một bản quy hoạch có giá trị lâu dài, bền vững, Phó Thủ tướng đã phân tích về vị trí, tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk với các quy hoạch khác, những công việc cần triển khai trong thời gian tới.

Trước hết, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk phải giải quyết được những tồn tại, vướng mắc, thách thức đang đặt ra cũng như có tầm nhìn, chiến lược khơi thông các nguồn lực, tiềm năng, tạo ra cơ hội phát triển mới.

Theo Phó Thủ tướng, Tây Nguyên, cũng như Đắk Lắk đang có lợi thế do phát triển sau nên còn gìn giữ được những giá trị vô cùng quý giá về thiên nhiên, cảnh quan, hệ sinh thái, bản sắc văn hoá. Đồng thời rút ra bài học từ những tồn tại, bất cập, hạn chế của quá trình phát triển nóng ở nhiều địa phương, đô thị do tầm nhìn quy hoạch hạn chế, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, chưa thích ứng biến đổi khí hậu, thiếu quỹ đất,…

Bên cạnh đó, Đắk Lắk, cũng như các tỉnh Tây Nguyên cần nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, tầm quan trọng của hạ tầng kết nối nội tỉnh, nội vùng và giữa Tây Nguyên với các vùng khác, và quốc tế.

"Đây là những thách thức phải được nhìn nhận đầy đủ", Phó Thủ tướng nói và cho rằng Đắk Lắk phải giải quyết hài hoà mối quan hệ đất, nước, rừng, để có thể phát triển và gìn giữ được vùng đất Tây Nguyên hết sức giàu tiềm năng tự nhiên, hệ sinh thái, nguồn sinh thuỷ của nhiều con sông lớn, hội tụ đa dạng các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc, nhưng cũng rất dễ bị tổn thương.

Đắk Lắk vững bước với triết lý 'bản sắc - sinh thái - kết nối sáng tạo'- Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chủ động chuẩn bị "hành trang" về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù

Trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị Đắk Lắk cùng với các tỉnh Tây Nguyên rà soát bảo đảm hài hoà, kết nối giữa các tiểu vùng và cả vùng, cũng như với các vùng kinh tế - xã hội khác và quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tích hợp vào các quy hoạch quốc gia chuyên ngành về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, du lịch…

Về không gian phát triển, Phó Thủ tướng yêu cầu Đắk Lắk nghiên cứu kỹ Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với những tư tưởng tầm nhìn mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hạ tầng đồng bộ, thông minh; nông thôn là sự chuẩn bị cho quá trình đô thị hoá; phát triển kinh tế đô thị với các hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ, thương mại…

Ủng hộ định hướng mở rộng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột gắn với bảo tồn những giá trị thiên nhiên, bản sắc văn hoá riêng có, Phó Thủ tướng cho rằng đây sẽ là hình mẫu xây dựng những đô thị mới trong rừng và có rừng trong đô thị.

Đánh giá cao sự quyết tâm, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền các cấp của Đắk Lắk trong cải cách thủ tục hành chính vì doanh nghiệp, nhân dân, Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh chủ động chuẩn bị "hành trang" về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù, hạ tầng năng lượng… nhằm cụ thể hoá các ý tưởng, tầm nhìn phát triển, để có thể "đi sau nhưng về trước" trong quản trị, cung cấp môi trường đầu tư tốt nhất, hỗ trợ nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Trao đổi về lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), Phó Thủ tướng gợi mở hướng phát triển thuỷ điện tích năng, nghiên cứu và chuyển giao công nghiệp năng lượng tái tạo, bảo đảm nguồn năng lượng xanh ổn định trở thành một lợi thế quan trọng thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk kết hợp với các địa phương của Tây Nguyên, phát huy ưu thế cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hoá đa dạng, ẩm thực phong phú…, hình thành những sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá khác biệt, độc đáo. "Lễ hội cà phê gắn với những cánh rừng, lễ hội của đồng bào dân tộc là minh chứng rõ ràng cho thế mạnh về du lịch nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu của Đắk Lắk", Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành với Đắk Lắk trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng mong muốn Đắk Lắk khẩn trương lập các quy hoạch chi tiết về đô thị, vùng động lực, nông thôn, hạ tầng giao thông, thiết chế văn hoá, giáo dục, y tế, phân khu chức năng về nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, du lịch,…, tích hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia chuyên ngành; trưng bày, quảng bá, giới thiệu về diện mạo của Đắk Lắk nguyên sơ, văn hoá, hiện đại và phát triển; đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hoá các quy hoạch, tạo điều kiện cho Đắk Lắk tiếp tục đóng vai trò trung tâm, động lực của Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk vững bước với triết lý 'bản sắc - sinh thái - kết nối sáng tạo'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO