Khoáng sản

Đắk Lắk quản lý khoáng sản: Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững

Trần Thọ 14/05/2024 08:23

(TN&MT) - Đắk Lắk là địa phương có nhiều tiềm năng về khoáng sản để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền và các ngành chức năng đã và đang tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nhằm biến tiềm năng thành lợi thế và chấn chỉnh, ngăn chặn những tiêu cực phát sinh trong hoạt động khoáng sản.

Từng bước nâng cao hiệu quả quản lý

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Khắc Đô - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 79 mỏ khoáng sản được cấp phép cho 69 đơn vị, bao gồm: 48 giấy phép khai thác đá và 21 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường; 2 giấy phép khai thác sét sản xuất gạch ngói; 2 giấy phép khai thác tận thu đất, đá tại bãi thải công trình và 6 bản xác nhận đăng ký khai thác mỏ vật liệu phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

11c.jpg
Tàu khai thác cát trên sông Krông Ana đoạn thuộc buôn M'Liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoáng sản trên địa bàn, ngoài việc tuyên truyền các quy định của Luật Khoáng sản 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quy định quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nêu rõ: Mọi hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản 2010. UBND cấp xã trở lên có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý xuất trình giấy phép hoạt động khoáng sản, văn bản cho phép khai thác khoáng sản của cấp có thẩm quyền để kiểm tra. Trường hợp phát hiện không có giấy phép hoạt động khoáng sản hoặc văn bản cho phép khai thác khoáng sản của cấp thẩm quyền thì xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và báo UBND tỉnh thông qua Sở TN&MT.

Thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép thăm dò khoáng sản, cấp phép khai thác tận thu khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản,... đều được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Đắk Lắk. Qua đó, vừa giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động khoáng sản, vừa tránh phát sinh những tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình tiếp nhận và xử lý các hồ sơ có liên quan.

Đối với những sự cố xảy ra liên quan đến hoạt động khoáng sản, chính quyền địa phương nhanh chóng đưa ra các biện pháp khắc phục, ứng phó. Tháng 9/2023, UBND huyện Lắk phát hiện một số vị trí sạt lở dọc bờ sông Krông Ana thuộc địa phận xã Yang Tao và xã Đắk Liêng nên đã báo cáo lên tỉnh. UBND tỉnh Đắk Lắk sau đó đã ban hành văn bản yêu cầu 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Đoàn Chính Nghĩa và Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Nguyên dừng hoạt động khai thác cát tại các đoạn sông Krông Ana bị sạt lở thuộc khu vực đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, giao Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk tổng hợp bổ sung vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản khi điều chỉnh, bổ sung khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023, sở đã tham mưu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 6 đơn vị, với tổng số tiền 620 triệu đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc với tổng số tiền phạt hơn 3,6 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định xử phạt 3 đơn vị với tổng số tiền hơn 922 triệu đồng và 5 cá nhân với tổng số tiền 775 triệu đồng; Sở TN&MT ban hành quyết định xử phạt 7 đơn vị với tổng số tiền 65 triệu đồng.

11.jpg

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, chủ động trong công tác quản lý, xử lý sai phạm lĩnh vực khoáng sản. Ngày 22/2/2024, Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo Nguyễn Văn Hà ra Chỉ thị số 02/CT-UBND yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn Ea Drăng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung thực hiện các nội dung cụ thể để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn.

Tại huyện Krông Bông, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, kiên quyết kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản. Thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an huyện Krông Bông đã phát hiện và xử lý 13 vụ, 18 đối tượng khai thác, tàng trữ, vận chuyển cát; phát hiện và xử lý 2 vụ khai thác, vận chuyển đá Granit và 1 vụ khai thác đất cấp phối, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 270 triệu đồng. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản, bên cạnh xử lý hành chính, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng đã xử lý hình sự đối với một số đối tượng vi phạm.

Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý hoạt động khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường vai trò, trách nhiệm của địa phương và người dân trong phát hiện, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, xử phạt hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk quản lý khoáng sản: Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO