Buổi trao đổi là hoạt động nằm trong Chương trình Mạng lưới Giáo dục môi trường Đài Loan – Việt Nam và là hoạt động đầu tiên của Chương trình tại Việt Nam. Chương trình trao đổi sẽ diễn ra từ ngày 19-23/8/2019, tại các trường đại học tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) và tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Giáo dục môi trường là việc quan trọng
Tại buổi trao đổi, bà Pei-Yu Wu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan cho biết: Về lĩnh vực môi trường, Đài Loan và Việt Nam đã có mối quan hệ trong nhiều năm. Những vấn đề hợp tác chủ yếu là xử lý ô nhiễm môi trường đất hay chất thải từ máy bay.
Vấn đề môi trường là vấn đề mang tính khu vực và quốc tế nên bà Pei-Yu Wu mong rằng sinh viên Đài Loan đến dự buổi trao đổi hôm nay sẽ thu hoạch được nhiều kiến thức bổ ích về vấn đề môi trường ở các nước bạn và khu vực, qua đó có thêm hiểu biết về bảo vệ môi trường...
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo dục môi trường, ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) cho biết: Giáo dục môi trường kết nối con cái chúng ta với thế giới xung quanh, dạy chúng về cả môi trường tự nhiên và môi trường đã được con người tạo ra, nâng cao nhận thức về các vấn đề tác động đến môi trường mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào, cũng như hành động chúng ta có thể thực hiện để cải thiện và duy trì nó. Giáo dục môi trường khuyến khích sinh viên nghiên cứu, điều tra cách thức và lý do tại sao mọi thứ xảy ra và tự đưa ra quyết định về các vấn đề môi trường phức tạp. Giáo dục môi trường thúc đẩy ý thức về vị trí và kết nối thông qua sự tham gia của cộng đồng, để khuyến khích người dân tìm hiểu thêm hoặc hành động để cải thiện môi trường của họ.
“Từ quan điểm đó, trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong giáo dục môi trường, thông qua quyết tâm tích hợp giáo dục môi trường vào chương trình chính thống, được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 và các quy định khác, thông qua việc thúc đẩy các hoạt động ngoại khóa, và thông qua tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế” – ông Vũ Minh Lý nhấn mạnh.
Giáo dục về bảo vệ môi trường còn gặp vướng
Theo ông Vũ Minh Lý, tại Việt Nam, Bộ TN&MT và Bộ Giáo dục – Đào tạo đã tập trung xây dựng, hoàn thiện nội dung giáo dục môi trường trong các cấp học; tăng cường đội ngũ chuyên gia về môi trường, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học; rà soát, xây dựng và tăng cường hệ thống tài liệu, học liệu điện tử về giáo dục môi trường; tăng cường xây dựng, tăng cường các sáng kiến, giải pháp về bảo vệ môi trường trong học sinh, sinh viên thông qua các cuộc thi, giải thưởng…
“Tuy nhiên, những nỗ lực vẫn chưa đủ, kết quả vẫn còn trong tương lai trong khi ô nhiễm và suy thoái môi trường, cũng như suy thoái đa dạng sinh học ngày càng trở nên nghiêm trọng và cấp bách hơn theo thời gian. Chúng tôi cần những nỗ lực chung và sự hỗ trợ từ bạn bè quốc tế” – ông Vũ Minh Lý kêu gọi.
Chia sẻ bên lề về những khó khăn trong vấn đề giáo dục môi trường, ThS. Trần Ngọc Huân – Giảng viên Khoa Tài nguyên nước của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Hiện nay tại Việt Nam các trường tiểu học đã đưa các vấn đề giáo dục môi trường như tìm hiểu về vòng tuần hoàn nước, các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, tiết kiệm nguồn nước vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, lên cấp 2 và cấp 3 không nhiều trường đưa nội dung này vào giảng dạy do hạn chế về mặt thời gian.“Nhìn chung số người dân nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường còn thấp. Vì vậy, hiệu quả của việc truyền thông còn chưa cao, nhiều khi những người có nhận thức tốt về giáo dục môi trường lại bị đồng hóa. Cụ thể, có nhiều học sinh khi học cấp tiểu học được đào tạo về giáo dục môi trường nên có ý thức tốt nhưng khi lên cấp 2, cấp 3 lại bị sao nhãng do không được đào tạo hoặc do làm theo thói quen môi trường xấu và tiêu cực xung quanh” - ThS. Trần Ngọc Huân nhấn mạnh.
Chương trình Mạng lưới Giáo dục môi trường Đài Loan – Việt Nam bắt nguồn từ mong muốn tăng cường mạnh mẽ mạng lưới GDMT giữa Đài Loan và Việt Nam, hai nước đối tác của Chương trình Đối tác Giáo dục môi trường Toàn cầu. Chương trình được tổ chức bởi “Viện nghiên cứu Việt Nam – Đài Loan” – đặt tại Đại học Quốc gia Đông Hoa, Đài Loan và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác tư vấn khoa học công nghệ môi trường – Đài Loan, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Chương trình được thực hiện dưới sự tài trợ của Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan. Chương trình được thực hiện với 5 chủ đề chính bao gồm: Biến đổi khí hậu, Kinh tế tuần hoàn; Bảo tồn thiên nhiên; Đa dạng văn hóa; Sự tham gia của cộng đồng. Tại buổi trao đổi, các sinh viên xuất sắc đến từ ba trường đại học của Đài Loan và ba trường đại học của Việt Nam cùng với thành viên các tổ chức phi chính phủ của hai nước sẽ thảo luận về các vấn đề GDMT của cả hai nước, phát huy sức sáng tạo của mình nhằm đưa ra các giải pháp để cải thiện lĩnh vực GDMT nói riêng cũng như bảo vệ môi trường nói chung. |