Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ: Từng bước chuyển đổi số
(TN&MT) - Khí hậu thay đổi đang trở thành thách thức ngày càng lớn đối với toàn cầu và khu vực Nam Trung Bộ cũng không là ngoại lệ. Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ đã từng bước chuyển đổi số trong công tác quan trắc, truyền tin và dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn để ứng phó hiệu quả với những biến đổi cực đoan có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, hạn chế những tác động tiêu cực do thời tiết gây ra.
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động khiến các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất lặp lại, là thách thức cho ngành khí tượng thủy văn. Điển hình là các loại thiên tai như lũ quét, sạt lở đất ở khu vực triền đồi, sườn núi; mưa lớn gây ngập lụt tại các khu đô thị lớn đông dân cư…
Để ứng phó hiệu quả trước những thách thức này, cần có hệ thống mạng lưới quan trắc tự động, truyền tin thời gian thực; mô hình dự báo hiện đại; cùng với kinh nghiệm, trách nhiệm của các dự báo viên.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực dự báo, cảnh báo KTTV, không chỉ tạo ra những cơ hội mới mà còn cung cấp các dịch vụ cảnh báo sớm, nâng cao độ tin cậy của bản tin, giúp tăng cường sự an toàn và sự phát triển bền vững trong khu vực, là giải pháp cho ngành khí tượng thủy văn.
Ông Đặng Văn Dũng - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ cho biết: Đài đã triển khai thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quan trắc, nội dung quan trắc cho các trạm; hướng dẫn việc bảo quản phương tiện đo, máy thiết bị, xây dựng các phương án quan trắc đo đạc, điện báo khi có bão lũ, thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định; có kế hoạch cho việc thay thế các thiết bị hư hỏng trên mạng lưới trạm của Đài. Đài đang tiếp tục thực hiện và hoàn thiện chuyển đổi công nghệ truyền tin từ 2G sang 3G cho 28 trạm đo mưa Hàn Quốc; duy trì thực hiện truyền tin 4G cho trạm tự động trong hệ thống ODA Ý; ngoài ra các trạm khác thực hiện truyền tin đồng thời bằng phần mềm DPS client và phần mềm CDH.
“Việc khai thác dữ liệu từ hệ thống trạm tự động thì rất thuận tiện, số liệu được thu thập 10 phút 1 lần, truyền trực tiếp về máy chủ của Đài và Trung tâm Thông tin dữ liệu KTTV. Các dữ liệu tập hợp và lưu trữ tại phần mềm CDH, được kết nối chia sẻ cho các đơn vị làm dự báo trong ngành. Kết hợp với các sản phẩm của mô hình số trị tiên tiến, hiện đại thì dự báo viên có thể nắm bắt được xu thế, sự thay đổi thời tiết, từ đó cũng có thể phát hiện được sự bất thường để đưa ra các cảnh báo nhanh chóng, chính xác“. Ông Dũng chia sẻ.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực khí tượng thủy văn đã cho phép sử dụng mạng lưới cảm biến và máy tính siêu mạnh để phân tích dữ liệu khí tượng nhanh chóng hơn và chính xác hơn. Điều này đã cải thiện khả năng dự báo thời tiết ngắn hạn và dài hạn. Các mô hình số trị giúp dự đoán sự biến đổi của thời tiết và hệ thống thời tiết chính xác hơn.
Theo ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn: Chuyển đổi số đã tạo ra các hệ thống cảnh báo tiên tiến, giúp cung cấp thông tin cụ thể và kịp thời về các hiện tượng thiên tai, bao gồm cả bão, mưa lớn, lũ lụt... Nhờ vào việc thu nhận và xử lý dữ liệu thời gian thực của các trạm quan trắc tự động; các phần mềm, công cụ giải mã, trích xuất số liệu khí tượng thủy văn; Ứng dựng các mô hình số trị, phần mềm dự báo (Smart Met), mô hình toán thủy văn, thủy lực (MARINE, Mike 11, Mike 21…); các thông tin dự báo, cảnh báo có thể được số hóa thành các dạng bản đồ bằng công nghệ GIS. Từ đó, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ có khả năng cảnh báo sớm, cho phép cộng đồng chuẩn bị và đối phó một cách hiệu quả hơn.
“Trước đây, để có được dữ liệu, cập nhật diễn biến thời tiết, thủy văn thực tế tại từng khu vực, các dự báo viên phải gọi điện, thu thập thông tin ở từng trạm khí tượng, thủy văn trong tỉnh, các địa phương lân cận. Hiện nay, nhờ dữ liệu quan trắc tự động, truyền trực tiếp về trung tâm sau đó được kết nối, chia sẻ trên hệ thống dùng chung CDH (Center Data Hub) nên rất chủ động khai thác dữ liệu. Đặc biệt, các thông số được cập nhật, lưu trữ, sắp xếp khoa học đã tạo nên một báo cáo chi tiết theo từng khoảng thời gian mà dự báo viên cần. Dựa vào kết quả này, kết hợp với dữ liệu dự báo, cảnh báo của mô hình; các sản phẩm ảnh mây vệ tinh và ra đa thời tiết cùng kinh nghiệm của mình, các dự báo viên sẽ đưa ra được bản tin dự báo thời tiết kịp thời, độ tin cậy cao”, ông Hưng nói.
Chuyển đổi số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Dự báo thời tiết chính xác hơn giúp nông dân lên kế hoạch trồng trọt và thu hoạch hiệu quả hơn, hạn chế lãng phí tài nguyên và tác động xấu đến môi trường. Điều này là minh chứng cho nhận định công nghệ có thể cải thiện sự an toàn và sự phục hồi sau các thảm họa thiên nhiên, đồng thời giúp bảo vệ môi trường và tài nguyên cho thế hệ tương lai, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của khu vực.