Có 317 đại biểu được bầu cử từ Đại hội của 11 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, đại diện cho 26.697 đảng viên trong tỉnh dự Đại hội cùng với sự tham dự của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT, cán bộ nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. |
Đọc diễn văn khai mạc, đồng chí Lữ Văn Hùng, ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nhấn mạnh ý chí, khát vọng và quyết tâm của toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh xây dựng Bạc Liêu phát triển lên tầm cao mới. Đại hội có trách nhiệm xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ để phát triển tỉnh nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá vào năm 2030 của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo trong phiên khai mạc Đại hội, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, lưu ý: "Bạc Liêu cần đánh giá đầy đủ và có giải pháp sát thực để khắc những hạn chế, yếu kém, thách thức". |
Văn kiện trình bày thảo luận và quyết nghị tại Đại hội cho thấy trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức tác động, nhiệm kỳ qua Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực, đổi mới tư duy, phát huy được tiềm năng, lợi thế, đạt được những thành tựu tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Những điểm nổi bật là Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm với 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ qua, nhiều chỉ tiêu vượt cao, như: tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức bình quân đạt hơn 7%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 58,43 triệu đồng/năm (tăng hơn gấp 1,8 lần so với năm 2015); tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.500 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 21,23%.
Chuyển biến mới rõ nét trong nhiệm kỳ qua là phát triển nông nghiệp chú trọng ngành nuôi tôm, trọng tâm là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất, bao tiêu lúa gạo và nâng cao giá trị nông sản, tăng cường chế biến sâu để nâng cao cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận. Khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo để phát huy các nhà máy điện gió, điện mặt trời. Phát triển du lịch với định hướng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, xây dựng hạ tầng du lịch, hệ sinh thái du lịch sống động, đa sản phẩm, kết nối với các trung tâm du lịch lớn. Phát triển có trọng tâm các lĩnh vực thương mại dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế chất lượng cao.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, tập trung chỉ đạo, xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thống nhất, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, góp phần động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Bên cạnh đó, văn kiện Đại hội cũng đã đề cập những hạn chế, thách thức cơ bản. Hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội có mặt còn hạn chế. Công tác quản lý đô thị còn bất cập và hạn chế. Việc xây dựng hạ tầng công nghệ, thông tin nền tảng phục vụ phát triển chính quyền điện tử chậm triển khai. Công tác cải cách hành chính từng lúc, từng nơi hiệu quả chưa cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tuy có được nâng lên, nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng đứng vào tốp 20 của cả nước. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; một số công trình, dự án chưa thực hiện được do thiếu nguồn lực; tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, ven biển còn xảy ra nghiêm trọng. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Công tác giải quyết việc làm có tiến bộ, nhưng chất lượng việc làm chưa cao. Lĩnh vực khoa học và công nghệ chuyển biến chậm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cao của ngành y tế chưa đáp ứng tốt yêu cầu.
Các nội dung cơ bản văn kiện đại hội được biểu quyết. |
Trên cơ sở đánh giá cụ thể thành tựu và hạn chế, thách thức văn kiện Đại hội đã xác định mục tiêu chủ yếu nhiệm kỳ mới là: Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân; huy động mọi nguồn lực, tập trung 5 trụ cột đã xác định để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030; có mức GRDP/người thuộc nhóm cao của vùng; quy mô kinh tế đến năm 2025 tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm 2020.
Theo đó, văn kiện đề ra các trọng tâm nhiệm vụ, với 21 chỉ tiêu cụ thể trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, xác định ba đột phá tập trung lãnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025: Thứ nhất, đẩy mạnh các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trong đó trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí. Thứ hai, tập trung phát triển nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao và phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, nhất là hàng không, cảng biển; hạ tầng điện và công nghệ thông tin; hạ tầng giáo dục, y tế, đô thị lớn.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nhấn mạnh ba trọng tâm Bạc Liêu cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ mới. Thứ nhất, tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Thứ hai là, tiếp tục xác định vị trí, vai trò trong vùng Tây Nam Bộ, Tiểu vùng Nam sông Hậu, Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, chủ động thúc đẩy liên kết vùng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Bạc Liêu. Quan tâm quản lý có hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong vào ngoài nước, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Thứ ba là, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, thay mặt đoàn chủ tịch và toàn thể đại biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo, bày tỏ quyết tâm, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết. |
Đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, thay mặt Đoàn Chủ tịch và đại biểu Đại hội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Đồng chí Lữ Văn Hùng khẳng định Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu sẽ nỗ lực thực hiện thật tốt ý kiến chỉ đạo của đồng chí với quyết tâm chính trị cao nhất; đoàn kết một lòng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tận dụng thời cơ và vận hội mới, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phấn đấu đưa quê hương Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cùng ngày Đại biểu đã bầu cử 47 ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và lấy phiếu giới thiệu bầu cử Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. |