Đại dương và vùng băng giá trên Trái đất đang trả giá cho sự nóng lên toàn cầu

Đan Ngân| 27/09/2019 08:44

(TN&MT) – Theo các chuyên gia về khí hậu, đại dương và vùng băng giá trên Trái Đất đang chịu tác động lớn do sự nóng lên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Điều này cảnh báo nếu con người không thay đổi hành vi, hàng trăm triệu người có thể bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng, thiên tai và thiếu lương thực xảy ra thường xuyên.

Đầm phá sông băng Jökulsárlón ở Iceland được hình thành tự nhiên từ nước sông băng tan chảy và phát triển không ngừng trong khi những khối băng lớn vỡ vụn từ một dòng sông băng đang co lại. Ảnh: UN News/Laura Quiñones
Đầm phá sông băng Jökulsárlón ở Iceland được hình thành tự nhiên từ nước sông băng tan chảy và phát triển không ngừng trong khi những khối băng lớn vỡ vụn từ một dòng sông băng đang co lại. Ảnh: UN News/Laura Quiñones

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết: “Các đại dương đang nóng lên, có tính axit hơn và năng suất kém hơn. Các sông băng và các tảng băng tan chảy đang khiến mực nước biển dâng cao, và các hiện tượng cực đoan ven biển đang trở nên nghiêm trọng hơn”.

Theo báo cáo của IPCC về đại dương và băng quyển, sự nóng lên toàn cầu đã lên tới 1 độ C so với mức ở thời kì tiền công nghiệp.

IPCC cho biết sự gia tăng nhiệt độ do phát thải khí nhà kính đã gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” cho con người và Trái đất.

Ko Barrett - Phó Chủ tịch của IPCC cho biết: “Đại dương và băng quyển đã “hấp thu nhiệt” từ biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ, khiến tự nhiên và nhân loại đang bị tàn phá nghiêm trọng”.

Tổng cộng có 670 triệu người sống ở các vùng núi cao trên thế giới và con số tương tự ở các vùng ven biển thấp đều phụ thuộc trực tiếp vào các đại dương và các nguồn tài nguyên bị đóng băng trên Trái đất.

Bên cạnh đó, vùng Bắc Cực đang có 4 triệu người sinh sống, và các quốc gia nhỏ đang phát triển là nơi sinh sống của 65 triệu người.

IPCC kêu gọi đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu “ở mức độ thấp nhất có thể” để đáp ứng thỏa thuận Paris.

Hoesung Lee - Chủ tịch của IPCC chia sẻ: “Mặc dù chúng ta giảm mạnh lượng khí thải, hậu quả đối với người dân và sự sống của họ vẫn còn nhiều thách thức, nhưng khả năng chăm sóc tốt hơn đối với những người dễ bị tổn thương nhất”.

“Ngoài vùng biển khơi, Bắc Cực, Nam Cực và những ngọn núi cao có thể cách xa nhiều người. Nhưng chúng ta phụ thuộc và chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ những nơi này theo nhiều cách như: Thời tiết và khí hậu, thực phẩm và nước, năng lượng, thương mại, giao thông, giải trí và du lịch, sức khỏe và văn hóa”, ông Lee cho biết thêm.

Theo báo cáo của IPCC, mực nước biển dâng trung bình 3,6 mm mỗi năm.

Con số này nhanh hơn gấp đôi so với thế kỷ trước và mức độ có thể tăng hơn 1 mét vào năm 2100 nếu “khí thải nhà kính tiếp tục tăng mạnh”.

Hậu quả tiềm ẩn là mực nước biển dâng xảy ra trong thời gian thủy triều và bão dữ dội. Các dấu hiệu cho thấy với bất kỳ mức độ nóng lên nào, các hiện tượng xảy ra một lần trong thế kỷ trước sẽ xảy ra hàng năm vào giữa thế kỷ này ở nhiều khu vực, làm tăng rủi ro cho nhiều thành phố ven biển và các đảo nhỏ.

Sông băng có thể thu nhỏ 80% vào năm 2100

Báo cáo của IPCC nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phối hợp hành động, mức độ khẩn cấp để giảm thiểu tác động của sự nóng lên toàn cầu. IPCC cũng cảnh báo các sông băng, tuyết, băng và băng vĩnh cửu đang giảm dần và sẽ tiếp tục giảm.

Các sông băng nhỏ theo dự báo sẽ mất hơn 80% khối lượng băng hiện tại vào năm 2100 ở châu Âu, miền Đông châu Phi, vùng nhiệt đới Andes và Indonesia.

Đặc biệt, điều này có thể làm tăng mối nguy hiểm cho con người. Chẳng hạn như lở đất, tuyết lở, đá lở và lũ lụt gây ảnh hưởng nặng nề cho nông dân và các nhà sản xuất thủy điện ở hạ lưu.

“Thay đổi về nguồn nước không chỉ ảnh hưởng đến người dân ở những vùng núi cao mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng người dân sinh sống ở hạ lưu”,  Panmao Zhai - đồng Chủ tịch của Nhóm công tác 1 của IPCC nhấn mạnh.

Băng biển ngày càng mỏng đi hàng tháng

Báo cáo của IPCC nhấn mạnh rằng mức độ băng ở Bắc Cực đã giảm hàng tháng, và nó đang ngày càng mỏng hơn.

Theo nghiên cứu, nếu sự nóng lên toàn cầu hạn chế ở mức 1,5 độ C so với thời kì tiền công nghiệp, biển Bắc Cực sẽ không có băng duy nhất vào tháng 9 trong vòng 100 năm. Nếu nhiệt độ tăng đến 2 độ C, điều này có thể sẽ xảy ra ba lần một năm.

Một số người sống ở Bắc Cực, đặc biệt là người dân bản địa, đã điều chỉnh các hoạt động du lịch và săn bắn của họ theo mùa vụ, an toàn về đất đai, các điều kiện về băng và tuyết, trong khi một số cộng đồng ven biển đã lên kế hoạch di dời.

Băng vĩnh cửu “nóng lên và tan dần”

Về băng vĩnh cửu - mặt đất đã bị đóng băng trong nhiều năm, IPCC cho rằng đó là sự nóng lên và tan băng và tan băng lan rộng theo dự báo sẽ xảy ra trong Thế kỷ 21.

Ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, khoảng 1/4 băng vĩnh cửu sẽ tan, giảm độ sâu 3-4 m vào năm 2100.

Nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng mạnh, có khả năng khoảng 70% lớp băng vĩnh cửu gần bề mặt này có thể bị mất.

Khi viết báo cáo, hơn 100 tác giả từ 36 quốc gia đã đánh giá các tài liệu khoa học mới nhất về đại dương và băng quyển, dựa trên những phát hiện của họ trên 7.000 ấn phẩm khoa học.

Đó sẽ là thông tin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới thảo luận trong các cuộc đàm phán về khí hậu và môi trường sắp tới, chẳng hạn như Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP25) được tổ chức ở Chile vào tháng 12.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại dương và vùng băng giá trên Trái đất đang trả giá cho sự nóng lên toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO