Trong nước

Đại biểu Quốc hội: Nước ngọt cần phải được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt

Khương Trung - Thanh Tùng 04/11/2024 - 13:56

(TN&MT) - Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai cho rằng nước ngọt cần phải được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt, vì đó là “nguồn sống”.

041120240812-z5996866901990_3d016f7e7b52b56a719e607cac31a7cf.jpg
Toàn cảnh phiên họp sáng 4/11

Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tham gia phát biểu ý kiến về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đại biểu Dương Khắc Mai – đoàn ĐBQH Đắk Nông cho biết, niện nay trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc và cùng sự phát triển kinh tế xã hội nên những năm qua cho thấy, các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, diễn ra trên địa bàn cả nước.

041120241112-z5997557513900_adf9c46b41ea530c48424eaa6e8f1d9b.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai cho rằng nước ngọt cần phải được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt, vì đó là “nguồn sống”.

Vì vậy đại biểu đề nghị cần tâp trung trong việc tổ chức và triển khai thực hiện pháp luật về phòng thủ dân sự và các luật có liên quan nhằm nâng cao công tác dự báo, cảnh báo để có thể phòng ngừa từ sớm, từ xa, ứng phó, khắc phục có hiệu quả, kịp thời, nhanh nhất có thể đối với những hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ tốt nhất cho người dân, cơ quan, tổ chức và cả nền kinh tế quốc dân.

Liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường đại biểu cũng đề nghị có giải pháp toàn diện cả trước mắt và trong dài hạn để việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước để từ đó đảm bảo an ninh nguồn nước. Vì Việt Nam thực tế có đến 63% nguồn nước đến từ ngoài lãnh thổ và nước mưa thì lúc thừa lúc thiếu do phân bổ theo mùa, một số địa phương chưa có giải pháp tích trữ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra rằng, tình trạng đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao hồ, sông suối để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đã dẫn tới hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Chưa kể việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam là thực trạng và cũng là thách thức lớn đối với vấn đề an ninh nguồn nước của nước ta trong trước mắt và lâu dài.

Do đó, “nước ngọt cần phải được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt, đó là “nguồn sống” - đại biểu Mai nhấn mạnh.

Tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra

041120240933-z5997166757894_ffb278c801ec44d80a4a572d6da9d17e.jpg
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Bổ sung thêm ý kiến của đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị cần quan tâm đến vấn đề quản lý và bảo vệ rừng. Đại biểu cho biết, những năm vừa qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 42%. Tuy nhiên, tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra và có nguy cơ gia tăng. Số liệu cho thấy, từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng thiệt hại ước hơn 22.800 hecta. Trong đó rừng bị cháy khoảng hơn 13 nghìn hecta, còn lại là do chặt phá trái phép.

Đại biểu trăn trở, rừng thiệt hại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Mất đa dạng sinh học, giảm giá trị tự nhiên và văn hóa của rừng, thay đổi khí hậu, xói mòn đất và là một trong những tác nhân của thời tiết cực đoan, bất thường. Nạn chặt phá rừng trái phép vẫn đang là vấn đề nóng cần giải quyết triệt để. Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý triệt để nạn chặt phá rừng trái phép.

Từ những vấn đề trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, UBTVQH nên tiến hành giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế. Về phía Chính phủ, cần thực hiện đánh giá hiệu quả tác dụng của độ che phủ rừng đối với vấn đề đa dạng sinh học, môi trường rừng, tác động phòng chống biến đổi khí hậu, hạn hán, sạt lở…. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dự án phát triển kinh tế, xã hội có chuyển đổi rừng; có kế hoạch trồng rừng hiệu quả trước khi cấp phép lấy rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Nước ngọt cần phải được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO