Phiên chất vấn được thực hiện trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cả nước, đồng thời, được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và phát thanh.
Trong buổi sáng nay, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương như: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Phát biểu mở đầu tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương là Bộ có chức năng quản lý Nhà nước đa ngành, bao gồm nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế; trong đó có những lĩnh vực tương đối phức tạp, nhạy cảm, vì vậy luôn được cử tri, nhân dân và các vị ĐBQH quan tâm.
Trong hơn 2 năm qua, cùng với cả nước, ngành Công Thương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid 19 gây ra. Môi trường bên ngoài cũng không mấy thuận lợi, một phần vì đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, phần khác vì xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gây khó cho tất cả các bên, nhất là các nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.
Bước sang năm 2022, trong khi đang phải đối diện với nguy cơ gia tăng lạm phát trên quy mô toàn cầu do hầu hết các quốc gia đều tăng các gói kích cầu để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch thì lại nổ ra sự kiện Nga - Ukraina. Biến cố này, kết hợp với các biện pháp trừng phạt về kinh tế của các nước phương Tây nhằm vào Nga - một nước xuất khẩu nhiên liệu, lương thực và một số vật tư chiến lược lớn của thế giới, đã và đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn, đe dọa thiếu hụt, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó có nước ta. Nguồn cung và giá cả hàng hóa trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường thế giới, nhất là về xăng dầu. Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhiều khó khăn, thách thức liên tục xuất hiện, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cần phải tập trung giải quyết.
Trước hết là tình hình giá một số nguyên, vật liệu chiến lược, nhất là xăng dầu tăng cao. Tình trạng buôn lậu, hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có dấu hiệu gia tăng, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tiếp đến là tình trạng ùn tắc hàng hóa tại biên giới phía Bắc - hệ quả của chính sách phòng, chống dịch Covid-19 rất nghiêm ngặt của Trung Quốc và tập quán sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, xuất hàng tiểu ngạch của nhiều địa phương trong nước.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý hoặc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề này. Để bảo đảm đáp ứng đầy đủ, liên tục nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để bổ sung nguồn cung do thiếu hụt sản lượng của NMLD Nghi Sơn. Chỉ đạo tăng cường chia sẻ nguồn cung giữa các doanh nghiệp đầu mối và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với các chế tài xử phạt cao nhất.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định của Nhà nước và bám sát diễn biến của thị trường thế giới. Nhờ những giải pháp đồng bộ và quyết liệt đó, tình hình cung cấp xăng dầu được duy trì ổn định; nguồn cung xăng dầu 3 tháng đầu năm được bảo đảm và có phương án cụ thể, khả thi về nguồn cung đến hết Quý II/2022 trong điều kiện năng lực sản xuất xăng dầu trong nước vẫn chưa đạt sản lượng cam kết.
Đối với công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ đã ban hành hoặc tham mưu Chính phủ sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ; chỉ đạo thực hiện hàng trăm đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất đối với nhiều mặt hàng, lĩnh vực trong nền kinh tế; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để tấn công, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lớn.
Nhờ vậy, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực; tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu, Bộ cùng với các Bộ liên quan kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc và trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.
Đồng thời, Bộ đã đẩy mạnh giao thiệp với các đối tác phía bạn thông qua nhiều hình thức (họp trực tuyến, trao đổi Công thư...) để cùng tìm biện pháp xử lý; kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành giải quyết hàng hóa ùn tắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc mở lại và duy trì thông quan tại các cửa khẩu; bên cạnh đó, Bộ đã chủ trì xây dựng, nhanh chóng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu phía Bắc theo hình thức thương mại chính ngạch và Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030, góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu và thúc đẩy hoạt động XNK của Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong tương lai. Nhờ những nỗ lực đó, tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc đã từng bước được tháo gỡ; lượng xe chờ xuất khẩu đã giảm đáng kể, nhất là ở thời điểm cận và ngay sau Tết Nguyên đán 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà ngành Công Thương cần tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước. Với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn và cầu thị, người đứng đầu ngành Công thương mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự chia sẻ, ủng hộ, cổ vũ, động viên của cử tri và nhân dân cả nước.