Đa số Đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội 2017

25/05/2018 16:18

(TN&MT) - Theo chương trình kỳ họp, từ sáng 25/5, Quốc hội dành 1,5 ngày để thảo luận tại hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, trong đó có kết hợp thảo luận báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2017 và thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

2505 Chủ tịch QH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các Đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao sáng 25/5. Ảnh: Quang Vinh

Phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và Kênh truyền hình Quốc hội để nhân dân và cử tri theo dõi. Tại phiên thảo luận, đa số Đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả kinh tế xã hội năm 2017 đồng thời nêu kiến nghị về phát triển kinh tế xã hội những tháng còn lại của năm 2018.

2505 Hai PTTg và các đại biểu
Các Phó Thủ tướng: Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam cùng các đại biểu bên hành lang Quốc hội sáng 25/5. Ảnh: Việt Hùng


Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin lược ghi ý kiến của một số Đại biểu:

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An): Ẩn sau những thành tựu ấy là chỉ số lòng tin của nhân dân từng bước được nâng lên

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

Tôi đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ và nhận thấy năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta đạt được những kết quả rất quan trọng, toàn diện và nổi bật trên nhiều lĩnh vực với những con số hết sức ấn tượng và đầy thuyết phục. Sau nhiều năm, lần đầu tiên 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2018 đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh tế vĩ mô ổn định. Các chỉ số về tài chính tiền tệ, đầu tư phát triển, dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu đều có mức tăng trưởng khá.

Xếp hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo được cải thiện mạnh mẽ do nỗ lực của Chính phủ, giải quyết tốt hàng loạt các vấn đề căn bản. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước đã làm nức lòng cử tri cả nước.

Những nỗ lực đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà trước hết là vai trò lãnh đạo của Trung ương. Sự điều hành quyết liệt và sáng tạo của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước. Ẩn sau những thành tựu ấy là chỉ số lòng tin của nhân dân từng bước được nâng lên. Chính phủ tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm lớn quý báu trong chỉ đạo điều hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tôi rất kỳ vọng và tin tưởng với đà này các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 sẽ tiếp tục thành công như mong đợi.

Tuy nhiên, từ thực tiễn cuộc sống cử tri đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần phải làm nhiều hơn, nhanh hơn và quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Trước hết là vấn đề suy thoái về đạo đức, vấn đề kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Hiện thực cuộc sống trong thời gian gần đây đang xảy ra những câu chuyện động trời và khó tin. Những hành vi mất nhân tính như than củi tre làm thuốc trị ung thư, cà phê trộn pin, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt rẻ lau bảng, bảo mẫu bạo hành dã man trẻ em trong các trường mầm non.

Tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người gây chấn động dư luận và còn nhiều câu chuyện buồn khác. Cử tri lo lắng và tâm tư rằng, ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa. Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn nói trên có nhiều nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp của đạo đức, sự buông lỏng kỷ cương phép nước. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị, ngăn chặn những hành vi mất nhân tính như trên càng nhanh càng tốt...

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Cần đánh giá về hiệu quả chính sách về những chính sách đã đi vào cuộc sống như thế nào

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Tôi bày tỏ sự tán thành với các báo cáo của Chính phủ và cá nhân tôi cảm nhận được rằng những cố gắng nỗ lực của Chính phủ trong thời gian vừa qua là hết sức trân trọng. Điều đó thể hiện những thành tích từ phía Chính phủ, từ cộng đồng doanh nghiệp và từ mỗi người dân, và tôi cũng mong rằng khi chúng ta đánh giá thì chúng ta cũng có cái nhìn đa chiều để những đánh giá của chúng ta vừa mang tính chính xác nhưng cũng vừa mang tính động viên.

Báo cáo của Chính phủ sẽ là toàn diện, cụ thể hơn nếu bổ sung được 2 nội dung: Thứ nhất, về đánh giá hiệu quả chính sách, trong báo cáo về kinh tế - xã hội, chúng tôi nghĩ rằng không chỉ là bức tranh để phản ánh tình hình kinh tế - xã hội và báo cáo về ngân sách cũng không chỉ đơn thuần là những số liệu về thu chi, nếu như có thể được thì chúng ta có thêm phần đánh giá về hiệu quả chính sách về những chính sách đã đi vào cuộc sống như thế nào, những bất cập, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, và nếu được như vậy thì sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội có định hướng khi hoạch định chính sách thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật.

Thứ hai, tôi nghĩ rằng các báo cáo của Chính phủ nên đặt trong mối quan hệ tổng thể với các nghị quyết, nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế, về kế hoạch đầu tư công trung hạn, về kế hoạch tài chính 5 năm và đưa ra những đánh giá về những khó khăn, những thuận lợi và đưa ra những giải pháp cho giai đoạn 3 năm tiếp theo…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định): Đề nghị sớm đấu giá biển số xe

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh

Đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018, theo tôi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 đã đạt và vượt, cũng như kết quả tăng trưởng kinh tế quý 1 đạt 7,38% cao nhất trong 10 năm qua đã cho thấy rõ nét, toàn diện về hiệu lực, hiệu quả trong những chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ khi triển khai nhiệm vụ theo các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.

Để bổ sung các giải pháp trong thời gian tới, tôi xin kiến nghị một số nội dung nhằm hạn chế lãng phí trong thực hiện các chính sách mà Quốc hội đã ban hành.

Cụ thể, trong thời gian vừa qua, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn luật đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các chính sách. Tôi xin ví dụ cụ thể, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2017, trong đó có nội dung quy định kho số viễn thông và kho số khác quản lý nhà nước là tài sản công, trong đó có biển số xe.

Tôi đã trình bày trước Quốc hội, nếu chúng ta sớm triển khai đấu giá biển số xe ô tô thì hàng năm ngân sách sẽ thu về được khoảng 5.000 tỷ đồng từ việc đấu giá hơn 12% số biển số đẹp được sắp xếp có quy tắc, biển số được người dân ưa thích và hơn 60% biển số theo yêu cầu của người dân trong tổng kho số. Tuy nhiên, khi xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn đấu giá biển số.

Có ý kiến đề xuất chỉ đấu giá các biển số có 5 chữ số giống nhau, có 4 chữ chố giống nhau, có 3 chữ số giống nhau và số tiến, cũng như những số người dân có nhu cầu khác 4 nhóm trên, như vậy chiếm chưa đến 1% tổng kho số. Bên cạnh đó, còn có đề xuất không cho phép người có biển số thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình... Tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn đấu giá biển số xe với kho số đẹp được mở rộng hơn và người dân có biển số đẹp, biển số theo nhu cầu có trả tiền được quyền tiếp tục sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ): Có những khoảng lặng cần nhìn nhận để phát triển

Đại biểu Hoàng Quang Hàm
Đại biểu Hoàng Quang Hàm

Kinh tế đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, năm 2017 GDP tăng 6,81%, 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Quý I năm 2018 duy trì ở mức cao nhất trong 10 năm qua đạt 7,38%. Báo cáo của Chính phủ đã phân tích, nêu rõ những điểm sáng, năng động sáng tạo trong điều hành, quyết liệt trong chấn chỉnh, tạo lập kỷ cương, tháo gỡ khó khăn để phát triển.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nêu rõ các bất cập ảnh hưởng đến tăng trưởng và đề ra nhiều giải pháp để khắc phục. Thành tựu của năm 2017 thể hiện Chính phủ đã quyết tâm rất cao, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao điều hành chỉ đạo, kiên định trước những nghi ngờ tăng trưởng khó đạt kế hoạch. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng. Đúng như báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng đang giảm dần và lệ thuộc vào khai thác tài nguyên dầu thô. Năm 2017, công nghiệp khai khoáng thực hiện vượt kế họach nhưng cũng chỉ bằng 2,93% của 2016. Tuy nhiên, 1 triệu tấn dầu thô đóng góp 0,2 đến 0,3 điểm tăng trưởng nên nếu 1,29 triệu tấn dầu tăng thêm thì tăng trưởng chỉ đạt mức 6,4 - 6,6%. Như vậy, tuy tăng trưởng vượt mục tiêu, nhưng tăng trưởng từ nội lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ của nền kinh tế không được như kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu, đây là khoảng lặng của tăng trưởng năm 2017 cần phải được nhìn nhận.

Thứ hai, tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng quy mô GDP khoảng 5 triệu tỷ đồng, chỉ gần bằng mục tiêu chúng ta đặt ra cho năm 2016 là khoảng 5,1 triệu tỷ đồng, tức là chúng ta phấn đấu 2 năm mới gần đạt quy mô GDP kỳ vọng của năm trước 2016. Khi quy mô GDP không đạt như kỳ vọng thì tích lũy của nền kinh tế cũng như động lực đà tăng trưởng cũng sẽ không được như kỳ vọng. Với một nền kinh tế đang khát khao vươn lên thì quy mô GDP khoảng 5 triệu tỷ là khiêm tốn. Đây là vấn đề thứ hai cần phải nhìn nhận thỏa đáng.

Thứ ba, nhân tố tạo nên bứt phá tăng trưởng 2017 không được duy trì một cách bền vững, chỉ tạo đà cho quý I năm 2018 đạt ở mức cao 7,38%, còn các quý sau dự báo sẽ giảm dần, đây là vấn đề cần phải phân tích, đánh giá tìm ra căn nguyên, vì diễn biến này không theo diễn biến thông thường là quy mô GDP quý I bình quân chỉ khoảng 1,8% và sẽ tăng dần ở các quý sau. Đồng thời, diễn biến này giống như cách đây 10 năm, năm 2008 kinh tế trong nước bất ổn, lạm phát phi mã lên hơn 20%, kinh tế thế giới suy giảm do khủng hoảng tài chính toàn cầu trong khi 2018 chúng ta không có bất lợi này. Như vậy, tăng trưởng năm 2017 thành tựu là cơ bản nhưng có những khoảng lặng cần nhìn nhận để phát triển...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa số Đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO