Bạn đọc - Pháp luật

Đà Nẵng: Vi phạm có hệ thống, doanh nghiệp vẫn tiếp tục xin cấp giấy phép mỏ đất Kỳ 1: Khoáng sản ra đi, hệ lụy để lại

Lan Anh - Giang Nam 05/04/2024 - 17:56

(TN&MT) - Trong quá trình khai thác 2 mỏ đất san lấp tại khu vực thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác Khoáng sản Hòa Vang đã bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi khai thác vượt ra ngoài phạm vi cho phép, khai thác vượt công suất. Thế nhưng, đến nay những vi phạm này vẫn chưa được doanh nghiệp khắc phục, hậu quả để lại là những khu vực núi đồi trơ trụi, nham nhở, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan khu vực và an toàn của người dân.

Bất chấp khai thác, “phớt lờ” trách nhiệm?

Mỏ đất đồi thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang do Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác Khoáng sản Hòa Vang lập đề án thăm dò, được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt trữ lượng tại Quyết định số 1811/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 với tổng trữ lượng cấp 121 là 4,296 triệu m3 trong diện tích 30 ha. Theo Quyết định số 9465/QĐ-UBND ngày 21/12/2015, UBND TP. Đà Nẵng cho phép Công ty Khoáng sản Hòa Vang khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp tại thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang với diện tích khai thác là 6,94 ha; trữ lượng khai thác 713.715 m3; thời hạn khai thác trong vòng 2 năm.

anh-1.jpg
Hiện trạng hoang hóa tại mỏ đất thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

Đến năm 2019, UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục cấp phép cho doanh nghiệp này khai thác đất làm vật liệu san lấp (Giấy phép số 1397/GP-UBND ngày 1/4/2019) với diện tích khai thác 4 ha; thời hạn khai thác cho phép đến tháng 12/2020 với khối lượng được khai thác là 400.000 m3.

Quá trình khai thác theo 2 giấy phép kể trên, doanh nghiệp này đều bị xử phạt do khai thác vi phạm về diện tích, công suất cho phép. Theo ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, về vấn đề khai thác ra ngoài ranh giới cấp phép tại mỏ đất có diện tích khai thác 6,94 ha của Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác Khoáng sản Hòa Vang, UBND thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định số 2779/QĐ-XPVPHC ngày 25/5/2017 với các hình thức xử phạt là: Phạt tiền 120.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản 3 tháng.

Tiếp đó, với hành vi khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực cho phép tại mỏ 4 ha, Thanh tra Sở TN&MT thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định số 52/QĐ-XPVPHC ngày 17/12/2019 với các hình thức xử phạt là: Phạt tiền 80.000.000 đồng, buộc Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác Khoáng sản Hòa Vang nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính như trên là 254.259.826 đồng.

anh-2.jpg
Khai thác vượt phép, doanh nghiệp mới chỉ nộp phạt hành chính mà không khắc phục hệ lụy

Theo 2 quyết định xử phạt trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính và nộp lại số lợi bất hợp pháp, doanh nghiệp phải san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.

Tuy các quyết định xử phạt đã yêu cầu rõ về biện pháp khắc phục hậu quả, nhưng đến nay, hiện trạng những khu vực mà doanh nghiệp khai thác vượt vẫn chỉ là những khu đất trơ trọi, địa hình lồi lõm. Theo ghi nhận của PV, đối với khu vực mỏ 6,94 ha (cấp phép theo quyết định số 9465/QĐ-UBND ngày 21/12/2015), diện tích mà Công ty Khoáng sản Hòa Vang khai thác vượt phần lớn nằm về phía Tây của mỏ. Ở đây hiện trạng địa hình không đồng đều, nhiều nơi dốc cao với những vách đá phong hóa, đoạn bờ kết thúc khai thác để lại vách vách taluy dương gần như dựng đứng.

anh-4.jpg
Vì lợi nhuận, doanh nghiệp khai thác mỏ đã để lại hậu quả nặng nề

Với mỏ 4 ha (cấp phép theo Giấy phép số 1397/GP-UBND ngày 1/4/2019), diện tích mà doanh nghiệp khai thác vượt tuy có vẻ khiêm tốn hơn so với mỏ 6,94 ha, nhưng khu vực vượt thì bao gồm cả 3 hướng Đông, Tây và Nam so với phạm vi ranh giới mỏ. Tuy có sự khác nhau về diện tích và hướng khai thác nhưng điểm chung của những khu vực mà Công ty Khoáng sản Hòa Vang khai thác ra ngoài ranh giới hiện nay đều là khu vực hoang hóa, trơ trọi, tưởng chừng như trở thành vùng đất “chết” khi không được cải tạo, khắc phục hậu quả.

Địa phương cho rằng doanh nghiệp đã khắc phục hậu quả?

Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Y, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết việc khai thác ra ngoài phạm vi mỏ của Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác khoáng sản Hòa Vang đã bị UBND thành phố Đà Nẵng xử phạt vi phạm hành chính tại quyết định số 2779/QĐ-XPVPHC ngày 25/5/2017 với hình thức phạt tiền và tước Giấy phép khai thác khoáng sản 03 tháng. Tiếp tục lần 2, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định số 52/QĐ-XPVPHC ngày 17/12/2019 với các hình thức xử phạt là phạt tiền và buộc Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác khoáng sản Hòa Vang nộp lại số lợi bất hợp pháp. Theo các quyết định xử lý nêu trên thì Công ty đã khắc phục theo nội dung yêu cầu.

anh-3.jpg
Sau khi lấy đất chở đi, doanh nghiệp để lại những vách taluy dương gần như dựng đứng, không được doanh nghiệp khắc phục về trạng thái an toàn tại khu vực khai thác vượt

Đồng quan điểm với UBND xã Hòa Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa cho rằng với các hành vi vi phạm, doanh nghiệp đã nộp tiền xử phạt, nộp lại tiền thu lợi bất hợp pháp và bị tước giấy phép khai thác là đã thực hiện theo các nội dung quyết định xử phạt yêu cầu.

Như vậy, cả UBND xã Hòa Sơn và UBND huyện Hòa Vang đều cho rằng trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề khắc phụ hậu quả vi phạm chỉ là nộp tiền xử phạt hành chính, nộp lại số lợi bất hợp pháp và bị tước giấy phép?. Tuy vậy, trong các quyết định xử phạt, cả UBND thành phố và Thanh tra Sở TN&MT đều buộc Công ty phải san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa khu vực khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Nhưng với hiện trạng của những khu vực khai thác vượt trước đây thì có lẽ yêu cầu trên vẫn còn đang bị doanh nghiệp bỏ ngỏ.

Và có chăng trong trường hợp này, cách hiểu của địa phương rằng doanh nghiệp bị xử phạt hành chính là đã đủ nên hiện trạng đồi đất tại thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn chỉ là vùng đất hoang hóa, lọt thỏm giữa những khoảnh rừng phủ màu xanh tươi xung quanh. Đó không chỉ xuất phát từ sự vô trách nhiệm từ doanh nghiệp mà còn xuất phát từ sự quản lý thiếu sâu sát của chính quyền địa phương.

anh-5.jpg
Mỏ đất thôn Phú Hạ nham nhỏ, trơ trụi lọt thõm giữa những khoảnh rừng xanh.

Đáng chú ý, từ tuyến đường Hoàng Văn Thái hướng đến khu du lịch Bà Nà, hệ quả vi phạm chưa được khắc phục kể trên có thể dễ dàng được du khách nhìn thấy, phần nào để lại ấn tượng không tốt và ảnh hưởng đến hình ảnh của Thành phố môi trường như Đà Nẵng hiện nay.

Kỳ 2: Xin cấp mỏ mới - hợp thức hóa phần sai cũ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Vi phạm có hệ thống, doanh nghiệp vẫn tiếp tục xin cấp giấy phép mỏ đất Kỳ 1: Khoáng sản ra đi, hệ lụy để lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO