Từ “Thành phố môi trường”…
Trên dải đất dài và hẹp miền Trung, Đà Nẵng đóng vai trò là đô thị hạt nhân, là biểu tượng, niềm tự hào về sự vươn mình. Không ít người đã ví von sự vươn mình lớn lao và kỳ diệu của Đà Nẵng như một cuộc “lột xác” từ cô bé gái nhỏ thó đen đủi, tóc vàng cháy năm nào trở thành một cô gái xuân thì căng tràn sức sống, sôi nổi đang sải những bước vững chãi đầy tự tin trên đường đời.
Sự đổi thay ngoạn mục của “cô gái” này không chỉ ghi dấu mốc lịch sử về công trình hạ tầng giao thông trọng điểm mà song song với hạ tầng, chính quyền Đà Nẵng đã tiên phong và kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng thành phố môi trường. Còn nhớ, vào năm 2008 khi Đà Nẵng được cho là khá tham vọng khi đưa ra Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Bởi lúc ấy, địa phương đang ở giai đoạn “nóng” ở mọi lĩnh vực từ du lịch đến công nghiệp, Đà Nẵng phải đối diện với hàng loạt vấn đề môi trường khi hạ tầng chưa thể chạy theo kịp.
Vậy nhưng, điều đó đã tạo nên sự khác biệt. Khi Đề án này đi về “ga cuối” và bước vào giai đoạn 2 từ 2021 đến 2030, Đà Nẵng có những thay đổi lớn và phát triển vượt bậc, chất lượng môi trường sống của hơn một triệu dân được cải thiện rõ rệt, hình ảnh về thành phố xanh - sạch - đẹp tạo ấn tượng khó quên với du khách. Tất cả đều không dễ dàng nhưng nếu không có quyết tâm đúng đắn của chính quyền, Đà Nẵng đã không thể trở thành “người tiên phong”. Từ việc đóng cửa nhà máy thép gây ô nhiễm, từ chối những dự án triệu đô, chi tiền tỉ xử lý nước thải cứu bãi biển đến việc thu hồi đất “vàng” để làm công viên cây xanh… Những câu chuyện làm người nghe hoài nghi nhưng đó là chuyện có thật. Rõ ràng, Đà Nẵng đang phải đánh đổi một số lợi ích để chọn môi trường mà không phải địa phương nào cũng làm được.
Và tất nhiên, bên cạnh nỗ lực của thành phố thì sự đóng góp của mỗi người dân, doanh nghiệp, cộng đồng có vai trò quan trọng trên hành trình xây dựng thành công “Thành phố môi trường”. Ở đó, sáng Chủ nhật nào bà con cũng í ới gọi nhau tay chổi, xẻng dọn dẹp nhà mình, rồi đến vỉa hè, cổng ngõ. “Giờ chỉ cần đúng 7h sáng Chủ nhật thì mọi người tự giác ra dọn liền, không phải vận động nhắc nhở nữa” - ông Nguyễn Xuân Cang - Tổ trưởng Tổ 93, phường Hòa Cường Bắc chia sẻ.
Đà Nẵng là thành phố “đáng đến” và đang trên hành trình phấn đấu để đạt được danh hiệu “đáng sống”. Vì thành phố phải là nơi để tận hưởng, cống hiến, nghỉ ngơi, giải trí và lao động. Nơi đáng sống thì đô thị phải xanh, bền vững, thông minh, an toàn. Đà Nẵng phải bắt tay xây dựng những giá trị mới để định hình thương hiệu của mình.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh
Trong khi ở nhiều nơi, chống rác thải nhựa mới chỉ dừng lại ở phong trào thì ở Đà Nẵng đã trở thành nếp sống của người dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như mô hình “Thùng rác môi trường”, “Tận dụng vải bạt cũ may túi đi chợ” đến “Gian hàng 0 đồng từ phân loại rác thải”… lần lượt ra đời. Sau mỗi đợt mưa lũ, thiên tai, rác theo dòng nước từ thượng nguồn đổ về tấp vào biển Đà Nẵng, thanh niên, công chức, người già, trẻ nhỏ… không ai bảo ai lại “đồng lòng” ra biển dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác để bảo vệ môi trường sống của chính mình. Tất cả đang cùng nhau tạo nên một Đà Nẵng hôm nay - hiện đại, sạch sẽ, yên bình và lãng mạn.
Đến danh xưng “đô thị biển đáng sống”
Thành phố đáng sống là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi hiện nay, là tiêu chí nhiều tỉnh, thành phố đang cố gắng phấn đấu để đạt được. Hiểu theo nghĩa đơn giản, thành phố đáng sống là nơi mà ở đó quản trị tốt để có sự phát triển đồng đều, là nơi mà người dân có cuộc sống ổn định, phát triển, những du khách gần xa khi đặt chân đến phải hài lòng và có cảm nhận tốt về “vẻ đẹp” của thành phố mang lại.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mới đây, Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2045 sẽ trở thành đô thị lớn, là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Muốn như vậy, người Đà Nẵng không chỉ có khát vọng, mà còn phải có những hiểu biết, hành động thiết thực về quy hoạch đô thị, cân đối giữa bài toán tăng trưởng kinh tế song hành với giữ gìn môi trường.
Quả vậy, quá trình phát triển đô thị hóa nói chung và sự phát triển nhanh chóng của thành phố nói riêng vẫn đang tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề về chất lượng đô thị, công tác quản lý đô thị. Công tác bảo vệ môi trường vẫn đang hình thành mới những vấn đề, điểm nóng mới chưa theo kịp phát triển. Trận ngập lụt lịch sử vào hồi tháng 10/2022 vừa qua như một phép thử cho khả năng chống chịu của hạ tầng đô thị Đà Nẵng. Từ đây, vấn đề ngập lụt đô thị sẽ được lồng ghép vào trong các quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng của thành phố. Trong quy hoạch đô thị đảm bảo yếu tố môi trường, đa đạng sinh học, phần đất cho công viên cây xanh phải được tính đến. Yếu tố môi trường nhân văn, ứng xử văn hóa, đạo đức công vụ nhằm tạo thêm chỉ số cạnh tranh và đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh cũng được coi trọng. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng sẽ hoàn thiện các giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển, xử lý rác và sản xuất năng lượng từ rác thải.
Theo ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, thành phố đã tiếp cận đến khái niệm thành phố môi trường, đô thị sinh thái trong suốt thời gian qua. Giờ đây, đô thị nơi “cuối sông đầu biển” đang hướng tới mục tiêu xa hơn, trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới. “Đà Nẵng không chỉ sở hữu tiềm năng to lớn về du lịch mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, tiện ích cảnh quan đặc sắc. Đây cũng là yếu tố để tạo sức bật mới cho hạ tầng đô thị, phát huy lợi thế thành phố bên sông. Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới, và điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm. Có thể nói đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà thành phố cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.”
Trong nắng sớm mùa xuân, bước chân nhẹ về phố biển, chừng như thành phố đang chạm tới những vùng kỳ vọng mới để đưa con tàu Đà Nẵng tăng trưởng, phát triển và bứt phá. Tự nhiên tôi có một niềm tin chung thủy rằng những nỗ lực từ chính quyền và người dân nơi đây sẽ đưa Đà Nẵng thực sự trở thành một thành phố đáng sống đẳng cấp châu Á đúng nghĩa trong tương lai.