Giảm thất thoát, thất thu nước
Hiện nay, nguồn nước cung cấp sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ cho toàn thành phố Đà Nẵng chủ yếu lấy từ nguồn nước của sông Vu Gia, chảy về sông Yên, về sông Cầu Đỏ và cung cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng nhiễm mặn đã đe dọa nghiêm trọng nguồn nước sông Cầu Đỏ khi mùa khô đến, dự báo độ mặn sẽ còn tăng, bởi sự suy giảm dòng chảy và mực nước biển dâng. Theo tính toán, nhu cầu dùng nước sạch đô thị, nước phục vụ hoạt động kinh tế, thương mại... của Đà Nẵng sẽ tăng gần gấp 2 và có thể đến gấp 3 lần vào giai đoạn 2050, nhưng đến nay chỉ mới có hơn 90% dân số Đà Nẵng tiếp cận được nguồn nước cấp dân sinh. Nguy cơ mất an toàn về nguồn nước đang hiện hữu ngày càng rõ.
Ông Hồ Hương- Giám đốc Dawaco cho biết, hiện tổng công suất cấp nước ở thành phố theo thiết kế tại các nhà máy nước là 210.000m3/ngày, không đáp ứng với nhu cầu thực tế nên nhà máy đã hoạt động vượt tải với công suất 260.000m3/ngày. Do tác động của biến đổi khí hậu và việc vận hành các thủy điện ở thượng nguồn nên lưu lượng nguồn nước thô trên sông Vu Gia có xu hướng suy giảm càng khiến cho tình hình sản xuất của Dawaco gặp nhiều khó khăn.
Để bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, từ năm 2017, sau khi hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, Dawaco đã thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thoát nước. Bằng nhiều biện pháp đã giảm tỷ lệ thất thoát toàn công ty từ 16,73 (2016) xuống 14,79% (2017). Qua đó, bổ sung thêm 2 triệu m3 nước cho toàn thành phố trong bối cảnh thiếu nước sinh hoạt.
“Theo đề án quốc gia về cấp nước cho đô thị và khu công nghiệp thì chỉ tiêu đến năm 2020, toàn quốc phấn đấu đạt tỉ lệ thất thoát là 18%. Tuy nhiên đến năm 2017 thì Đà Nẵng đã đưa tỉ lệ thất thoát xuống dưới 15%. Con số này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn cung cấp nước cho TP. Đà Nẵng hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu”- ông Hồ Hương, Giám đốc Dawaco chia sẻ.
Trong năm 2017, Dawaco đầu tư phát triển mới 84km, cải tạo 35,28km; đầu tư 10,7 km các tuyến ống dẫn truyền D200-D500. Riêng về nguồn cấp nước đã nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ từ 170.000m3/ngày đêm lên 220.000m3/ngày đêm; đồng thời, đầu tư thêm Nhà máy nước Khe Lạnh, Sơn Trà 1,2,3 tăng khả năng cấp nước lên gần 275.000m3/ngày, bổ sung lượng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Cải tạo, xây mới hệ thống cấp nước
Mặc dù đã nỗ lực nỗ lực tìm nhiều giải pháp để giải quyết bài toán tài nguyên nước và công tác cấp nước đô thị, tuy nhiên năm 2017, Đà Nẵng vẫn xảy ra một số thời điểm thiếu nước gay gắt trong 2 tháng 5 - 6 nắng nóng cao điểm và diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế. Dự báo từ năm 2018 - 2020, Đà Nẵng sẽ thiếu trung bình 80.000 - 100.000 m3 nước/ngày.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, Dawaco sẽ đầu tư 39,05 tỉ đồng phát triển, cải tạo mạng đường ống phân phối với tổng chiều dài 92km trên địa bàn Đà Nẵng và đầu tư lắp đặt mạng truyền tải gần 8km đường ống có đường kính từ D150-300 với kinh phí 12,7 tỉ đồng. Đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân Bay đạt tổng công suất cấp nước khoảng 300.000 m3/ngày.
Hiện nay, Sở Xây dựng Đà Nẵng đang thẩm tra hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng quy hoạch các nguồn cung cấp nước lâu dài, ổn định giai đoạn 2012 - 2018 dự kiến khởi công vào tháng 3/2019 và hoàn thành vào tháng 12/2019.
Đối với dự án nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 120.000 m3/ngày, hiện Sở Xây dựng Đà Nẵng đã thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công phân kỳ 1 (nâng công suất thêm 60.000 m3/ngày); dự kiến khởi công vào tháng 4/2018 và hoàn thành vào tháng 2/2019. Đồng thời đã thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung 10.000 m3/ngày; dự kiến khởi công vào tháng 5/2018 và hoàn thành vào tháng 1/2019.
Đặc biệt đối với Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày, sau khi Dawaco từ chối nguồn vốn ODA mà sử dụng nguồn vốn tự có, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT) đã có thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường số 57/TBTĐ-ĐMC ngày 08/02/2018. Dự kiến dự án quan trọng này sẽ triển khai thi công trong quý IV/2018 và bàn giao vận hành trong tháng 12/2020. Việc khai thác nước trên sông Cu Đê để cung cấp cho nhà máy cấp nước Hòa Liên là một giải pháp đa dạng hóa các nguồn cung cấp nước Đà Nẵng và tăng khả năng chống chịu của thành phố. Khi Nhà máy nước Hòa Liên hoàn thành sẽ tạo thêm nguồn cấp nước chính cho thành phố ở khu vực đô thị phía tây, tây bắc và góp phần bảo đảm cấp nước an toàn và lâu dài cho Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần triển khai các chương trình nhằm quản lý nhu cầu sử dụng nước trong cộng đồng hiệu quả thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước trong sản xuất công, áp dụng các mô hình sử dụng nước hiệu quả trong cộng đồng; siết chặt hoạt động khai thác nước ngầm. Song song đó, cần có sự hợp tác liên vùng của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng trong quản lý lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn nhằm bảo tồn tài nguyên nước.