Cuối tuần qua, hệ thống bơm nước nhập ngoại được đơn vị chức năng Đà Nẵng vận hành nhằm xử lý dứt điểm sự cố ngập nước giữa mùa khô tại hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương.Chỉ hơn nửa tháng qua, tại công trình nút giao khác mức này liên tiếp xảy ra 2 vụ ngập nước cục bộ. Mới đây, khuya 29, rạng sáng 30/4, nước mưa ngập lênh láng trong đường hầm. Nhiều thời điểm nước ngập sâu hơn 0,5m. Nhiều chủ phương tiện không được cảnh báo đã cho xe lưu thông và bị chết máy, phải dắt bộ qua hầm. Trước đó, sáng 19/3, nước ngập xuất hiện ở cả hai ống hầm. Mực nước tại hầm phía Nam cao hơn hầm phía Bắc. Nhiều thời điểm nước dâng cao 10 - 20cm trên diện tích hơn 20m2. Lực lượng CSGT phải chốt hai đầu hầm để điều tiết giao thông, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn. Sau hơn 30 phút, máy bơm tại hầm mới vận hành hút nước trong hầm.
Lý giải sự cố này, ông Lương Thạch Vỹ, Trưởng ban QLDA Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) cho hay, sự cố lần đầu do lỗi hệ thống nguồn cấp điện. Khi đóng điện lại, máy bơm cũ vận hành và khắc phục ngay tình trạng ngập nước cục bộ. Đến ngày 24/4, đơn vị mới nhập máy bơm nước mua từ châu Âu về và tiến hành lắp đặt. Trong lúc đơn vị thi công tiến hành tháo máy bơm cũ, lắp máy bơm mới thì trời mưa, cán bộ kỹ thuật trực “ngủ quên” nên xảy ra sự cố ngập nước. Phát hiện hầm bị ngập nước, cán bộ trực đã bật máy bơm điều khiển bằng tay (chưa hoàn chỉnh lắp đặt chế độ bơm tự động) bơm nước ra khỏi hầm. “Sự cố ngập nước hoàn toàn không do chất lượng và không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Mọi việc đang được kiểm tra, giám sát chặt chẽ”, ông Vỹ nói.
Hệ thống gồm 3 máy bơm, công suất mỗi máy 700m3/h. Đường kính ống đẩy của mỗi máy là DN 400 và đường ống gom là DN 500, trên đường ống đẩy của bơm có lắp đặt van 1 chiều và van 2 chiều.
Ông Hứa Thiện Vỹ, đại diện đơn vị thi công trạm bơm và lắp đặt máy bơm cho biết, ưu điểm của 3 máy bơm là đã được cài đặt cả chế độ vận hành tự động và chế độ vận hành bằng tay. Trong đó, chế độ tự động có nhiệm vụ khi mực nước trong trạm bơm dâng đến cao trình 2,5m, tính từ đáy hố bơm thì máy thứ nhất sẽ khởi động và khi mực nước trở về cao trình 1,6m thì sẽ tự ngắt. Tương tự, trong trường hợp mực nước trạm bơm dâng đến cao trình 3,1m, máy thứ 2 sẽ khởi động, sau đó tự ngắt khi mực nước trở về cao trình 1,6m. Trường hợp mực nước trạm bơm dâng lên đến cao trình 3,5m, máy thứ 3 sẽ khởi động và tự ngắt 1 máy khi mực nước trở về cao trình 2,5m, 2 máy còn lại vẫn tiếp tục hoạt động.
Ông Lương Thạch Vỹ cho biết, từ khi thông xe hầm chui đến nay (tháng 11/2017), đơn vị sử dụng máy bơm nước tạm để chờ hệ thống máy bơm nhập ngoại này về lắp đặt, thử nghiệm và đưa vào vận hành chính thức. Thực tế, qua đánh giá năng lực thu gom nước khu vực hầm chui này, với hệ thống bơm nước trên sẽ là giải pháp xử lý hiệu quả các sự cố ngập nước như thời gian qua.
Công trình hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương có tổng vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng với kết cấu bê tông cốt thép, tĩnh không cao 4,75m, tổng chiều dài 409m, gồm 80m hầm kín và 180m hầm hở. Ngày 2/11/2017, hầm chui này được thông xe kỹ thuật để chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. |