Đà Nẵng: Tìm giải pháp phục hồi kinh tế và giải quyết bức xúc kéo dài của người dân

Lan Anh| 06/07/2020 15:53

(TN&MT) - Kỳ họp phải tập trung bàn các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong 6 tháng cuối năm 2020.

Ngày 6/7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 chính thức khai mạc kỳ họp lần thứ 15.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung thừa nhận, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là ảnh hưởng dịch bệnh COVID -19, lần đầu tiên sau 23 năm kinh tế TP tăng trưởng âm 3,61%, theo đó các chỉ tiêu thành phần đều tăng trưởng thấp so với  kế hoạch. Việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư chưa chuyển biến tích cực; vẫn còn nhiều dự án công trình trọng điểm triển khai chậm tiến độ; tỉ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản tính đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, nhiều bất cập trên các lĩnh vực, như: quy hoạch treo, quản lý đất đai, xây dựng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, rác thải, nước sạch, trật tự đô thị… vẫn chưa được tập trung giải quyết căn cơ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động băng nhóm chuyên nghiệp gia tăng...

 

 Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung phát biểu khai mạc Kỳ họp

Một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm…Đây là những vấn đề cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt để tập trung khắc phục trong thời gian đến.

Cũng theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, tại kỳ họp lần này, thành phố không chỉ tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 mà sẽ thảo luận, cho ý kiến 44 báo cáo, tờ trình tại kỳ họp với những nội dung vừa mang tính dài hạn liên quan đến sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố, vừa giải quyết những vấn đề bức xúc kéo dài tác động đến đời sống và sinh hoạt của người dân thành phố và thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Các đại biểu HĐND thành phố tập trung phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là đi sâu làm rõ các nguyên nhân chủ quan; các kịch bản tăng trưởng và giải pháp cần tập trung thực hiện để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đồng thời, thảo luận và thống nhất chủ trương trong việc triển khai giải quyết có hiệu quả những vấn đề tồn tại, bức xúc kéo dài, như: quy hoạch treo, đất nông nghiệp không sản xuất được, đất tăng thêm, ùn tắt giao thông, rác thải, giải tỏa đền bù, bất cập trong thực hiện Nghị định 79/2019/NĐ-CP ngày 26-10-2019 của Chính phủ liên quan trả tiền nợ đất tái định cư…

Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8/7

Báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng tại kỳ họp, 6 tháng đầu năm 2020, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều suy giảm và đạt thấp so với kế hoạch như: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) giảm 3,61%; tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ giảm 49,1%; tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 26,2%; tổng mức bán lẻ giảm 2,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 10,9%; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 giảm 7,3%...; số lượng lao động mất việc làm tăng (tỷ lệ thất nghiệp 7,24%, 179.000 lao động bị ảnh hưởng do Covid-19); thu ngân sách đạt thấp, chỉ bằng 36,4% dự toán...

Trên cơ sở dự báo tình hình KT-XH của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, kết hợp sự rà soát, tính toán theo các chỉ tiêu cân đối lớn của Chính phủ về tăng trưởng của Việt Nam năm 2020, thành phố đề xuất xây dựng 3 kịch bản KT-XH. Trong đó, kịch bản số 2 được xem là lựa chọn phù hợp để làm định hướng phấn đấu trong xây dựng phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm 2020.

Cụ thể, kịch bản số 2 đưa ra tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát Covid-19 từ nửa cuối tháng 4-2020. Một vài các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khống chế được Covid-19 trong quý 3-2020, một số nước chỉ khống chế được Covid-19 trong quý 4-2020. Kết quả của kịch bản này là trong quý 3, kinh tế thành phố Đà Nẵng chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020.

Nhưng bước sang quý 4, kinh tế trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP giảm khoảng 0,88% so với năm 2019.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Tìm giải pháp phục hồi kinh tế và giải quyết bức xúc kéo dài của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO