Đà Nẵng: Thúc đẩy logistics ở Khu Thương mại tự do đầu tiên của cả nước
(TN&MT) - Sáng ngày 14/11, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển của ngành logistics thành phố Đà Nẵng” với sự tham dự của hơn 350 đại biểu là chuyên gia, đại diện bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm đề xuất các ý tưởng đẩy mạnh phát triển ngành logistics của Đà Nẵng nói riêng, khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước nói chung.
Đây là một trong chuỗi hoạt động triển khai đề án phát triển dịch vụ logistics TP.Đà Nẵng, kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng, đã được Quốc hội thông qua ngày 26.6, trong đó cho phép thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.
Mới đây nhất là Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó, việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng (khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật) nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Đặc biệt, chính sách đặc thù này áp dụng cho thành phố Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung.
Với chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo các cấp, các sở, ban, ngành hiện đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024 sớm chính thức thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để tận dụng hiệu quả thời gian thí điểm của chính sách.
Trong giai đoạn đến, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn. Thành phố cũng đang nỗ lực nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ logistics; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do.
Cũng theo bà Minh, phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong Khu Thương mại tự do Đà Nẵng là yêu cầu quan trọng vì không chỉ hướng tới tăng trưởng kinh tế mà còn cần đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường.
“Và, điểm mấu chốt nữa là chuyển đổi số, số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế”, bà Minh nói.