Nhiều hệ lụy
Hơn 10 năm nay, hàng chục ha ruộng của người dân thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng bị bỏ hoang, nhiều đám ruộng khô cháy do thiếu nước. Vào mùa mưa, đất, đá từ các mỏ khai thác khoáng sản liên tục chảy xuống lấp đầy ruộng đồng gây khó khăn cho nông dân.
Ông Lê Văn Tuân - Trưởng thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho biết: Cả thôn có 187 hộ dân thì có tới gần 15% là hộ nghèo, mà tình hình này sẽ còn nghèo nữa… Hơn 10 năm qua, bao quanh thôn là mười mấy cái mỏ khai thác đất, chế biến đá, nhìn lên ngọn núi đầu thôn, ngày xưa xanh mướt bởi cây lá, bây giờ bị cạo trọc, nham nhở, chỉ còn màu vàng ối.
“Từ năm 2010 đến nay, hơn 20 ha ruộng màu mỡ, nuôi sống cả thôn đã bị bồi lấp, trở nên khô cằn, không thể nào trồng được bất cứ cây gì nữa. Trước đây, nguồn nước tưới tiêu cho cánh đồng của thôn, nhờ vào hơn mười mó nước trên khe núi như hố Trầu, hố Bạc, hố Riều… 10 năm qua, các mỏ khai thác đất đá, đã cắt ngang mạch nước, lấp kín dòng chảy, cả thôn đã trở thành sa mạc.”- ông Tuân bức xúc.
Những núi đồi nham nhở, vàng ố sau khai khoáng |
Thống kê mới nhất, trên toàn địa bàn huyện Hòa Vang có đến 537ha đất nông nghiệp không sản xuất được hoặc chỉ được một vụ; trong đó chỉ riêng xã Hòa Nhơn đã có 50ha đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản và các dự án.
Không chỉ làm ruộng đồng hoang hóa, hệ lụy sau khai thác khoáng sản còn đẩy người dân vào nhiều nguy hiểm rình rập. Các đơn vị được cấp phép khai thác mỏ không hề có biện pháp nào phục hồi cải tại môi trường như Công ty CP VLXD Fococev (mỏ đá Phước Thuận 3, xã Hòa Nhơn); Công ty Thạch Toàn (mỏ đá Hố Sanh, xã Hòa Nhơn), Công ty Hoàng Khoa (mỏ đá Phước Hậu, xã Hòa Nhơn). Sau khai thác, mỏ đá hình thành các vách núi đồi dựng đứng khiến cho người dân sinh sống gần khu vực luôn lo sợ đất, đá sạt lở, đổ sập xuống mỗi khi có mưa to.
Tăng cường quản lý
Hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang có tổng cộng 46 mỏ khoáng sản được UBND thành phố cấp phép khai thác (với diện tích khai thác là 241,2ha), chủ yếu ở một số xã như: Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Sơn và Hòa Bắc.
Trong đó, có 22 mỏ khoáng sản còn hiệu lực, đang hoạt động khai thác (diện tích là 124,56ha) và 24 mỏ khoáng sản đã hết thời hạn khai thác, phải đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường (diện tích là 116,64ha).
Đường xá lầy lội, bụi mịt mù, ông nhiễm tại các khu vực khai khác khoáng sản |
Trong 2 năm 2018 và 2019, TP. Đà Nẵng đã xử phạt số tiền hơn 1 tỷ đồng đối với các mỏ vi phạm trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, chủ yếu đối với các trường hợp vi phạm như; khai thác vượt công xuất, gây ô nhiễm môi trường, chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ. Trong đó, vấn đề phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ vấn là vấn đề cần được quan tâm.
Ông Phạm Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, để tăng cường công tác quản lý khoáng sản trong thời gian đến, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố và chỉ đạo UBND các xã tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong khai thác khoáng sản của các mỏ; xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị vi phạm và đề nghị UBND thành phố thu hồi giấy phép khai thác mỏ khoáng sản đối với các trường hợp tái phạm.
Đối với các mỏ đã quá thời hạn phục hồi môi trường mà chưa thực hiện đầy đủ, đề nghị thành phố xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu chủ mỏ rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các hố sâu.
Đối với hơn 10 mỏ đang tiến hành cải tạo phục hồi môi trường, đề nghị Sở TN&MT kiểm tra, yêu cầu có cam kết lộ trình thực hiện cụ thể. Huyện cũng đề nghị UBND thành phố yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản có phương án đền bù đất nông nghiệp bị bồi lấp, không sản xuất được…
Theo Sở TN&MT, trong 9 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã kiểm tra 7 mỏ, trong đó có kiểm tra việc cải tạo, phục hồi môi trường của mỏ đất đồi tại thôn An Tân (xã Hòa Phong), mỏ đá Phước Thuận 3 (xã Hòa Nhơn); khai thác cát, sạn bãi bồi thượng nguồn sông Cu Đê (xã Hòa Bắc) và yêu cầu 13 đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra 2 năm trước...
TP. Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp chấn chỉnh hoạt động khai khoáng |
Trong tháng 9 vừa qua, Sở TN&MT cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó chú trọng đến kiểm tra sản lượng khai thác hằng năm, xử lý nghiêm các đơn vị khai thác vượt công suất cho phép và kiểm tra, giám sát công tác cải tạo, phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ.
“Trong đợt kiểm tra này, Sở TN&MT sẽ cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tái phạm nhiều lần về khai thác vượt ranh giới, vượt công suất cho phép và vận chuyển khoáng sản gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Những trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ đề xuất UBND thành phố thu hồi giấy phép khai thác mỏ”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT khẳng định.