Triển khai hàng loạt chương trình kích cầu
Thống kê sơ bộ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quý 1, tổng thiệt hại của ngành du lịch Đà Nẵng khoảng hơn 1.859 tỷ đồng, kế luỹ quý 2, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, tổng thiệt hại trực tiếp ngành du lịch ước đạt khoảng 6.806 tỷ đồng.
Đà Nẵng triển khai nhiều gói kích cầu nhằm thu hút khách du lịch |
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp ở các quốc gia trên thế giới, việc hạn chế và tái khôi phục các chuyến bay quốc tế phục vụ thương mại và du lịch có khả năng còn kéo dài, do đó giải pháp trọng tâm của ngành du lịch TP. Đà Nẵng hiện nay là tập trung ưu tiên thị trường khách nội địa trong 6 tháng cuối năm.
Theo đó, 8 giải pháp quan trọng được Đà Nẵng đưa ra gồm: Truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch, đảm bảo an toàn điểm đến Đà Nẵng; xúc tiến và duy trì đường bay khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay; nghiên cứu khảo sát và đánh giá thị trường khách; bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; liên kết phát triển du lịch; triển khai các đề án lớn liên quan đến lĩnh vực du lịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết: Kỳ vọng của du lịch Đà Nẵng là kích cầu cho cả khách đi tour và khách đi lẻ. Do đó chúng tôi đang vận động tất cả các cơ sở du lịch trên địa bàn, có chương trình kích cầu "sốc" cho du khách. Giai đoạn này hầu như tất cả các địa phương trong nước đều tập trung vào thị trường nội địa, vì thế Đà Nẵng phải có cách làm thực sự khác biệt, thu hút khách thị trường nội địa.
"TP. Đà Nẵng sẽ sớm công bố toàn diện gói kích cầu du lịch nội địa, với nhiều chương trình giảm giá sốc để thu hút khách".
Tập trung ưu tiên thị trường khách nội địa trong 6 tháng cuối năm. |
Dù giảm giá, nhưng sản phẩm đảm bảo chất lượng
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vitours cho rằng: Khi tình hình dịch bệnh thế giới còn quá phức tạp thì chúng ta nên chú trọng thị trường trong nước. Và điều đặc biệt là khi đơn vị chúng tôi mở cửa đón khách trở lại từ dịp lễ 30/4-1/5 đi tour lân cận nội vùng, từ Đà Nẵng- Huế- Quảng Bình đã có nhiều khách quan tâm, đặc biệt là giới trẻ, đây là tín hiệu đáng mừng.
"Khách nội địa không đi được nước ngoài sẽ đi du lịch trong nước rất nhiều, đặc biệt vào tháng 7, là kỳ nghỉ hè của học sinh thì nhu cầu du lịch gia đình, nhóm trẻ tăng cao".
Về khách quốc tế hiện còn quá là khó khăn, phục hồi chậm, tuy nhiên cũng cần phải thay đổi, đa dạng hoá thị trường; cần đẩy nhanh làm phố đi bộ, tạo sản phẩm mới, để cuối năm khi dịch bệnh kết thúc, khách quốc tế đến Đà Nẵng nhiều hơn.
Các chương trình kích cầu để thu hút khách được xây dựng theo tiêu chí giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ |
Trong công tác quảng bá xúc tiến, cần nhấn mạnh và khẳng định TP. Đà Nẵng- điểm đến an toàn; nên viết bài kể chuyện về điểm đến, bởi bây giờ từ người lớn đến trẻ con đều xem thông tin trên mạng và kênh cần làm ngay là mạng xã hội, truyền thông đại chúng, báo online...
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng thì cho rằng, về chương trình kích cầu, nên tập trung một số triển lãm, kết hợp du lịch với các điểm đến; quảng bá về Đà Nẵng an toàn, an ninh, môi trường, người dân thân thiện. Giai đoạn vừa rồi các điểm du lịch bị ngắt quãng, nếu chúng ta không làm nhanh và tạo những điểm mới mẻ thì có nguy cơ khách sẽ chuyển hướng thị trường.
Về kích cầu thị trường nội địa cần có sự chung tay của các hãng hàng không, để mang khách đến cho Đà Nẵng, tính phương án thuê chuyến, trong đó các khách sạn, lữ hành hỗ trợ để tạo thành gói du lịch hấp dẫn hơn; làm sao để chương trình kích cầu mạnh mẽ, cụ thể hơn.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho biết: Bước đầu đã có 78 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình kích cầu, giảm giá sâu các gói sản phẩm với nhiều ưu đãi từ 30-50%. Dù giảm giá, nhưng sản phẩm đảm bảo chất lượng. Dự kiến số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình kích cầu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Đà Nẵng là địa phương đón nhiều chuyến bay từ Hà Nội, TP HCM và các địa phương, do đó chúng ta có cơ hội rất lớn trong chương trình kích cầu. Để thành công cần tập trung nguồn lực truyền thông, bởi nếu du khách không tiếp cận được truyền thông tốt thì khó lên kế hoạch đi lại; tập trung vào báo mạng, mạng xã hội...
Ông Cao Trí Dũng nhận định: Cứu cánh du lịch Đà Nẵng chính vẫn là thị trường nước ngoài; bởi dù nếu năm nay du lịch nội địa phục hồi tốt thì cũng mới cũng lấp đầy được 20-30%, do đó thành phố cần sớm đề xuất có lộ trình mở lại đường bay quốc tế; miễn phí visa đến cuối năm 2020; miễn phí các điểm tham quan của thành phố quản lý (bảo tàng Chăm, di tích Ngũ hành sơn); chủ động mời gọi đối tác lớn, trong đó cam kết mạnh mẽ là Đà Nẵng đã sẵn sàng đón khách, có như thế du lịch mới sớm phục hồi.