Đà Nẵng: Nhà thầu “hô biến” đất đổ thải thành đất K95, K98?

Võ Hà| 15/03/2023 13:44

(TN&MT) - Phớt lờ chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật thiết kế và những quy định về xuất xứ đối với vật liệu đầu vào, đơn vị thi công đã ngang nhiên “hô biến” đất đổ thải thành đất K95, K98 để đắp nền đường tại dự án “Nâng cấp, cải tạo đường ĐT601” trên địa bàn huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng để trục lợi.

Nhận được phản ánh từ bạn đọc có tình trạng dùng đất thải để đắp nền đường tại công trường thi công dự án tuyến đường ĐT601, phóng viên Báo TN&MT đã "mật phục" theo dõi công trường này ròng rã một thời gian dài để ghi nhận thực tế.

dat1.jpg
Nhà thầu đã sử dụng đất đổ thải thay đất K98 để đắp nền đường.

Theo ghi nhận, tại đoạn tuyến từ Km4+300 -:- K5+096 do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng công trình Đô thị Đà Nẵng (Cty Đô thị Đà Nẵng) thi công, (thuộc gói thầu Giao thông thoát nước từ Km0 -:- Km5+096, dự án tuyến đường ĐT601), hàng dài những chiếc xe tải có thùng chứa gần 10m3 chở đất nhìn như đất thải, xà bần, có lẫn gạch con sâu vỉa hè, ống nhựa vỡ gãy và nhiều rác như vải rách, bao tải, giấy dầu… đang đổ thành từng đống trên dọc đoạn tuyến.

Đi sâu vào bên trong đoạn tuyến, chúng tôi phát hiện dự án sử dụng rất nhiều loại đất đắp nền đường (đất K95, K98) không đồng nhất, có chỗ đất lẫn đá lớn giống như được lấy từ tầng phủ mỏ đá, chỗ thì đất pha cát có lẫn mặt đường bê tông nhựa… Vị trí khác thì đất lẫn mặt đường bê tông xi măng, nhiều điểm trong phạm vi nền đường nhìn giống đất móng nhà…..

dat2.jpg
Đất hữu cơ có lẫn rác, vải rách và gạch con sâu gãy vỡ được nhà thầu tận dụng tại dự án "Đầu tư nâng cấp mương thoát nước tuyến đường Lạc Long Quân"

Để xác minh nguồn gốc đất trên, chúng tôi đã bám theo một trong những chiếc xe tải vừa đổ đất ở dự án trên. Tuy nhiên, khi theo xe chạy tới đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu thì bị tài xế xe tải phát hiện và cố tình chạy nhanh để cắt đuôi chúng tôi. Chúng tôi lập tức quay lại hiện trường chờ bám theo xe khác, thế nhưng đoàn xe tải này đã biết “có động” nên trên công trường không còn một bóng xe chở đất nào.

Hành trình bám theo xe không thành, trên đường quay về, chúng tôi nhận được tin có nhà thầu thi công hệ thống thoát nước không tuân thủ hồ sơ thiết kế, thi công ẩu, “đốt cháy” nhiều công đoạn…. tại công trình “Đầu tư nâng cấp mương thoát nước tuyến đường Lạc Long Quân” nằm trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, (dự án này do UBND quận Liên Chiểu làm Chủ đầu tư – PV).

Tại thời điểm ghi nhận, trên tuyến đường Nguyễn Kiều đang thi công hệ thống cống thoát nước và đường Lạc Long Quân tiến hành làm lại gạch vỉa hè, xe múc đang gom phần đất hữu cơ có lẫn rác, vải rách và gạch con sâu gãy vỡ… thành đống, nhìn qua thấy giống mẫu đất được sử dụng đắp nền đường tuyến ĐT601. Chúng tôi nghi ngờ hai mẫu đất trên là một nên quyết định mật phục theo dõi.

dat3.jpg
Lớp đất nền đường sau khi san ủi và lu sơ bộ lẫn rất nhiều đất đá, không đồng nhất, nhìn giống dự án san lấp mặt bằng  

Gần vài giờ đồng hồ quan sát, trên công trường xuất hiện một xe tải vào vận chuyển phần đất đổ thải trên. Để không bị phát hiện, chúng tôi đổi qua di chuyển bám xe bằng phương tiện grap xe máy. Không ngoài dự đoán, sau khi "ăn đất" đầy thùng,  xe không chạy về hướng bãi rác Khánh Sơn mà chạy thẳng về đổ tại dự án tuyến ĐT601.

Quay trở lại hiện trường công trình dự án tuyến ĐT601 vào hôm sau, chúng tôi thấy những đống đất đêm trước đã được san ủi bằng phẳng ra thành lớp trên nền đường. Mặc dù đã được trộn lẫn với nhau nhưng vẫn còn lộ rõ nhiều màu đất khác nhau lẫn lộn, cùng với rất nhiều rác, bao tải, giấy dầu và vải rách nằm lộ thiên. Thấy chúng tôi ghi hình, một cán bộ kỹ thuật đã nhanh tay gom nhặt rác lộ thiên trong phạm vi nền đường sau san ủi.

Được sự ủy quyền của Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) quận Liên Chiểu, ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó Giám đốc ban là người trực tiếp phụ trách dự án kiêm giữ vị trí tư vấn giám sát, công trình “Đầu tư nâng cấp mương thoát nước tuyến đường Lạc Long Quân” do Cty Đô thị Đà Nẵng trúng thầu thi công khẳng định, theo hồ sơ thiết kế được duyệt và thuyết minh biện pháp thi công của nhà thầu, toàn bộ phần đất dư thừa sau khi thi công hệ thống cống thoát nước trên và phần đất hữu cơ bẩn khi tạo mặt bằng đóng mới lại gạch vỉa hè tuyến Lạc Long Quân đều được đổ đúng vị trí là bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).

dat4.jpg
Cán bộ kỹ thuật nhà thầu thi công gom nhặt phần rác lẫn trong đất sau san ủi

Về phía chủ đầu tư dự án đường ĐT601, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông Đà Nẵng cho biết, trong quá trình thi công các hạng mục tuyến đường ĐT601 được tổ chức giám sát, nghiệm thu theo đúng chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật công trình. Sử dụng vật tư vật liệu đúng nguồn gốc, nguyên khai từ mỏ vận chuyển về công trường đảm bảo chất lượng.

Tại buổi làm việc với Báo TN&MT, ông Trần Quốc Nhật, cán bộ phòng Điều hành- Giám sát, thuộc ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông Đà Nẵng khẳng định, phần đất bẩn đổ thải như thông tin hình ảnh phóng viên ghi lại tại công trường chỉ là cục bộ, đơn vị cũng đã phát hiện và đã xử lý xúc đổ đi. Khi phóng viên hỏi vị trí nhà thầu sử dụng đất đổ thải để đắp nền đường là đoạn nào trên tuyến thì ông Nhật ấp úng không trả lời được!

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng phòng Điều hành - Giám sát của Ban QLDA chia sẻ thêm: Đối với dự án này, chủ đầu tư có giao Tư vấn giám sát độc lập là Liên danh Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng ECC và Phân viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải miền Trung và Công ty cổ phần tư vấn – đầu tư xây dựng chiếu sáng và cơ điện công trình, với tổng giá trị gói thầu là 3.348.770.369đ.

“Việc theo dõi tiến độ, chất lượng ở công trường được giao cho nhân viên phụ trách, tôi làm công tác quản lý chung, chỉ ở phòng nên không nắm bắt kịp thời thực trạng ở công trường. Xin cảm ơn thông tin từ báo và sẽ tổ chức đi thực tế công trường để trực tiếp kiểm tra thực hư, xong sẽ có phản hồi lại với Báo”, ông Nam nói. 

Một cán bộ phụ trách dự án của Cty Đô thị Đà Nẵng thừa nhận, vì giá thầu quá thấp, đồng thời do vật liệu đất đắp tại Đà Nẵng khan hiếm nên đơn vị có tận dụng nguồn đất đổ thải từ dự án “Đầu tư nâng cấp mương thoát nước tuyến đường Lạc Long Quân”.

dat5.jpg
Mặc dù báo chí đã phản ánh từ rất lâu đến chủ đầu tư và nhà thầu nhưng đến nay nguồn đất phục vụ thi công dự án vẫn không được cải thiện 

Theo ông Lê Sau, kỹ sư chuyên ngành Xây dựng Cầu đường bộ phân tích nhìn mẫu đất qua hình ảnh tại dự án đường ĐT601 còn không đảm bảo chứ nói gì đem đắp nền đường! Việc sử dụng đất bẩn, đất không đồng nhất trong một lớp đất nền đường là điều tối kỵ, trái với tiêu chuẩn ngành. Nguyên tắc, đối với vật liệu đầu vào đối với một công trình, phải được thí nghiệm đạt, đồng thời phải có nguồn gốc xuất xứ, được tư vấn giám sát và chủ đầu tư chấp thuận mới được sử dụng, trong lúc thi công, cũng được kiểm soát chặt chẽ từ 2 đơn vị này. Chưa nói đến thủ tục pháp lý hoàn công thanh quyết toán, khi nhà thầu sử dụng nguồn đất như trên thì lấy chứng từ hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào từ đâu?

Điều đáng nói, mặc dù báo chí đã thông tin đến ban QLDA và nhà thầu về những tồn tại trên trong một thời gian khá lâu, thế nhưng đến nay, trên công trường vẫn tiếp tục sử dụng loại vật liệu đất bẩn, đổ thải như trên để thi công cho dự án, coi thường các chỉ tiêu về yêu cầu chất lượng, kỹ thuật. Không thể đổ thừa việc sử dụng đất thải do khan hiếm vật liệu đắp nền. Cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng cần sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan để đảm bảo chất lượng của công trình!

Báo TN&MT sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Nhà thầu “hô biến” đất đổ thải thành đất K95, K98?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO