Theo đơn kiến nghị của hàng chục hộ dân thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng gửi đến cơ quan chức năng đang lo sợ về nguy cơ sạt lở ở đồi Dương Đạo, nằm tại vị trí Km 5+200 – Km6 +740 thuộc dự án tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh – giai đoạn 1 sẽ vùi lấp nhà dân.
Theo đó, Dự án đường vành đai phía Tây đang được triển khai thi công đã cắt qua một phần đồi núi đất nằm cách sau nhà dân gần 100 m. Tuy nhiên, sau trận mưa lũ lịch sử tại TP.Đà Nẵng hồi giữa tháng 10 vừa qua đã khiến đồi núi này sạt lở nghiêm trọng. Một lượng bùn đất từ trên các quả đồi đang thi công nham nhở đã tràn ập hết vào nhà dân khiến đồ đạc cũng như đất vườn đang canh tác bị hư hại nặng. Sau khi nước rút, bà con địa phương rất vất vả dọn dẹp, khắc phục.
Thế nhưng, điều khiến người dân lo ngại lớn hơn là trên sườn đồi đã xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 0,5-1,0 m, vết nứt đã ăn qua tận bên kia lưng đồi. Nếu trận mưa đó mưa kéo dài thêm thời gian nữa hoặc chỉ cần thêm vài trận mưa trong mùa mưa này thì nguy cơ cả ngọn đồi sẽ trượt ập xuống chôn vùi làng là có thể thấy.
“Chúng tôi nghĩ thế là xong rồi nhưng khi đi bộ lên ngọn đồi, bà con mới tá hỏa ngọn đồi lớn đã bị nứt toác. Các vết nứt chạy dài cả trăm mét như vòng cung, rộng 0,5– 1 m. Đồi đã bị đứt gãy và nguy cơ cả ngọn đồi sạt lở, đỗ ập xuống là rất lớn. Từ khi thấy những vết nứt xuất hiện trên đỉnh núi, người dân chúng tôi luôn tâm trạng bất an, mỗi khi có mưa là làm chúng tôi không chợp mắt được.”, ông Nguyễn Minh Hậu, người dân Hòa Thọ cho biết.
Người dân địa phương cũng cho biết, hay gọi khu vực này là đồi núi không có chân, bởi lớp địa chất dưới chân đồi có màu đen, nhìn bằng mắt thường giống như đá phong hóa rất cứng, thế nhưng thật chất là đất mùn và sét đen lẫn đá phong hóa. Chính vì thế, khi tuyến đường vành đai phía Tây cắt qua một phần đồi, thi công cắt tạo mái ta luy sườn đồi đã đào mất phần đất ổn định bảo vệ bên ngoài, lộ ra lớp địa chất không ổn định dưới chân đồi. Mỗi khi mưa xuống, lượng nước thẩm thấu vào các lớp đất và rỉ rác theo lớp đất này thoát ra ngoài, làm cho lớp đất này trở nên mềm dẻo nên nguy cơ sụt trượt là rất lớn. Nhất là hiện nay trên đỉnh đồi đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn bất thường.
Điều người dân mong muốn lúc này là chính quyền cần sớm vào cuộc, khảo sát khu vực sạt lở và đưa ra giải pháp khắc phục để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ này và các năm tiếp theo.
“Hiện tượng xuất hiện các vết nứt lớn phía bên kia lưng đồi là do mưa lớn kéo dài, sau khi đồi đất ngậm no nước, bản thân đồi đất nơi đây không có chân, khi dự án tuyến đường cắt qua, làm lộ ra lớp đất sét bên dưới, dẫn đến hình thành cung trượt địa chất, cả đồi đất sẽ sụt trượt nếu tiếp tục có mưa” ông K, kỹ sư địa chất công trình phân tích thêm.
Cũng theo ông K, để có giải pháp xử lý dứt điểm điểm sạt lở này, cần đánh giá lại địa chất, khảo sát đánh giá đúng mức độ sạt lở của ngọn đồi, cần phải khống chế cung trượt đang hình thành. Nêu không có giải pháp căn cơ, không những nhà dân bị ảnh hưởng mà tuyến đường nằm dưới chân đồi cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Văn Bửu, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, ngay khi nắm được thông tin từ nhân dân, UBND xã Hòa Phú đã tiến hành mời người dân khu vực họp, lắng nghe ý kiến, đồng thời cử lực lượng khảo sát địa bàn, báo cáo sự việc lên cấp trên.
Trong khi đó, ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết, trên cơ sở báo cáo của cấp xã, huyện sẽ tổng hợp trình lên thành phố lên phương án xử lý nguy cơ sạt lở khu vực thôn Hòa Thọ.
“Với những vết nứt lớn chạy khắp ngọn đồi như thế này thì nguy cơ sạt lở là rất lớn. Hiện tại đang trong mùa mưa bão nên cần sớm có kế hoạch xử lý, đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Ca cho biết.
Theo tìm hiểu cơ quan chức năng dự kiến nhiều phương án như di dân khỏi vùng nguy hiểm, hoặc khảo sát, đánh giá và đưa ra thiết kế san gạt hạ cos đồi để tránh sạt lở. Trong đó, phương án san gạt hạ cos đồi sẽ được ưu tiên nghiên cứu. Bởi tính khả thi cũng như xử lý tận gốc vấn đề sạt lở.