Bãi tập kết cát trái phép mà UBND phường Hòa Minh chưa cập nhập được |
Nhiều như nấm sau mưa
Theo phản ánh của người dân, PV Báo Điện tử TN&MT đã có mặt tại khu vực Bàu Năng. Trên đường Hoàng Thị Loan, hàng loạt xe tải chở cát nối đuôi nhau chạy khiến nhiều người đi đường phải nín thở nép vào một bên lề đường. Xung quanh, bụi bốc lên mờ mịt. Ông Nguyễn Văn An, một người dân sống ở khu vực Bàu Năng vung tay chỉ: anh đi vô đường Bàu Năng 11, cát ở Quảng Nam về đó và cũng từ đó tỏa ra khắp Đà Nẵng. Theo hướng chỉ của người dân, phóng viên đã có mặt tại đường Bàu Năng 11.
Ngay cạnh đình làng Trung Nghĩa, bãi tập kết cát Hoa Ngà với số lượng lên đến cả nghìn m3 đang hoạt động khá nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sinh sống gần đó cho biết: “Tháng ni là tháng “cô hồn”, nhiều người kiêng kị nên bãi cát này mỗi ngày chỉ có khoảng 30- 40 xe về mua cát và phân nửa, khoảng 15- 20 xe về đổ cát. Các tháng khác thì nhiều hơn, ngày lên đến cả trăm xe. Đáng nói nhất là xe về đổ cát thì toàn xe “hổ vồ”, chở từ 15- 18 m3 cát, mà toàn đổ vào ban đêm, sáng sớm hoặc giữa trưa, gây ồn ào mất trật tự và làm môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng”.
Bãi tập kết cát Hoa Ngà trên đường Bàu Năng 11 |
Tiếp tục có mặt tại đường Nam Trân, tại đây, một bãi tập kết cát “khủng” với số lượng lên đến hàng nghìn m3 cũng đang hoạt động. Tại bãi tập kết, không có tên, bảng hiệu, số điện thoại hay bất kỳ một địa chỉ nào để liên hệ. Trước mặt bãi, chỉ có một tấm biển có gắn lô gô và dòng chữ: “ Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Tây Hồ- Nhà bảo vệ môi trường Tây Hồ”. Nhưng trớ trêu là ngay sau lưng “ nhà bảo vệ môi trường” là bãi tập kết cát khủng và phía đối diện bên kia đường là một bãi tập kết rác lớn khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Anh Nguyễn Thành Văn, một người dân sinh sống ở đường Nguyễn Như Hạnh ngay gần đó ngao ngán: “Mỗi lần qua là ớn nhất đoạn ni, xe chở cát đã chạy ẩu thì chớ, lại còn che chắn cũng ẩu nốt khiến cát bay rơi vào mắt, vào mặt người đi đường rát rạt. Không chỉ vậy, đây cũng là điểm nối với đường Hoàng Thị Loan, một trong những con đường có mật độ xe lưu thông với số lượng lớn nên nguy cơ xảy ra TNGT rất cao”.
UBND phường cũng chưa có số liệu chính xác
Đó là thừa nhận của ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh. Theo ông Nhân, hiện trên địa bàn, UBND phường Hòa Minh chỉ nắm được có 9 điểm tập kết cát mà người dân bức xúc phản ánh hoặc báo chí đã đăng tin. Còn khá nhiều bãi tập kết khác, mới xuất hiện trong thời gian gần đây, hoặc nằm ở những khu vực vắng vẻ, thưa dân cư mà người dân chưa phản ánh thì phường vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác.
Cũng theo ông Nhân, do địa bàn phường Hòa Minh quá rộng, lên đến 7,9km2, trong đó có đến 95% diện tích là đất đô thị, lực lượng chức năng trên địa bàn lại quá ít, nên quản lý không xuể. Đối với 9 bãi tập kết cát trái phép mà phường đã thống kê được thì các ngành chức năng đã lập biên bản được 7/9 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp. Trong đó đã đình chỉ được 3 điểm tập kết, 4 điểm khác đã có cam kết dừng hoạt động vào ngày 5/10/2017. Riêng đối với 2 trường hợp có giấy phép kinh doanh đúng địa chỉ, tuy nhiên lại không phù hợp với quy hoạch của thành phố về tập kết, kinh doanh mua bán cát sỏi, UBND phường vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của các ngành chức năng, UBND quận, thành phố.
Bãi tập kết cát trái phép trên đường Nam Trân |
Quận Liên Chiểu chỉ được quy hoạch 1 điểm tập kết cát
Trao đổi với PV báo Điện tử TN&MT, ông Lê Duy Hòa- Trưởng phòng TNMT quận Liên Chiểu cho biết: Hiện nay, nhu cầu về cát xây dựng trên địa bàn cũng không phải là quá cao, tuy nhiên, các bãi tập kết kinh doanh cát trái phép lại xuất hiện quá nhiều và trong một thời gian ngắn, đây là một điều khá khó hiểu mà phía quận cũng chưa giải thích được, trong khi theo quy hoạch của thành phố, quận chỉ có 1 điểm tập kết cát duy nhất. Vì vậy, việc tập kết cát trong các khu dân cư, tại các vị trí mà thành phố không quy hoạch đều phải được chấm dứt. Hiện UBND quận đã giao cho UBND các phường trực thuộc thực hiện việc thống kê, lập biên bản để xử lý nghiêm các bãi tập kết cát trái phép.
Đức Huy