Thờ cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng, cả vùng. “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá Voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả.
Theo sắc phong thần của các vua nhà Nguyễn, cá Ông được tôn vinh là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần”. Sách Gia Định thành thông chí chép: “Những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần [cá Ông] dìu đỡ mạn thuyền bảo vệ người yên ổn. Hoặc thuyền bị chìm đắm, trong cơn sóng gió thần cũng đưa người vào bờ, sự cứu giúp ấy rất rõ. Chỉ nước Nam ta từ Linh Giang đến Hà Tiên mới có việc ấy và rất linh nghiệm, còn các biển khác thì không có”.
Khi cá Ông sống, ngư dân gọi là Ông Sanh, khi cá Ông chết thì gọi là Ông Lụy. Khi còn sống, cá Ông là ân nhân cứu sống sinh mạng của họ những khi bão to gió lớn trên biển, khi cá Ông lụy thì họ chịu tang như đối với người thân của mình.
Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, ngư dân tổ chức lễ tế cá Ông lồng ghép dưới hình thức lễ hội Cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam.
Năm nay, ban tổ chức lễ hội thực hiện đầy đủ phần lễ và phần hội. Đối với phần lễ, tổ chức theo nghi thức truyền thống, gồm: lễ nghinh thần, tế âm linh, tế chánh cầu ngư… mang bản sắc văn hóa địa phương và lồng ghép phát động ra quân khai thác hải sản năm 2022; đồng thời thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành lăng Ngư Ông.
Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính cộng đồng, dân gian phù hợp với cư dân vùng biển như: hát Bả trạo, chèo, bài chòi; các môn thể thao truyền thống như: bơi thúng, đan lưới, gánh cá và các giải bóng đá, bóng chuyền bãi biển.