Đà Nẵng: Hướng đến đô thị xanh - thông minh

Lan Anh – Quỳnh Anh| 03/10/2019 14:05

(TN&MT) - Thời gian qua, Đà Nẵng đạt nhiều thành quả nhất định trong việc vận dụng công nghệ tiến bộ cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. Trên nền tảng cơ sở hạ tầng hiện có, Đà Nẵng đang quyết tâm trở thành đô thị xanh, hiện đại và thông minh nhằm cải thiện, nâng cao mức sống của người dân, phục vụ người dân tốt nhất.

Đà Nẵng có nền tảng cốt lõi, quyết định để xây dựng thành công đô thị xanh - thông minh
Đà Nẵng có nền tảng cốt lõi, quyết định để xây dựng thành công đô thị xanh - thông minh

Nỗ lực của chính quyền và người dân

Phát triển đô thị xanh - thông minh là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia, vì những lợi ích thiết thực trong quản trị đô thị và nâng cao chất lượng đô thị, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng 4.0 hiện nay. Đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó chú trọng xây dựng Đà Nẵng trở thành “Đô thị xanh, hiện đại, thông minh”. Với tổng diện tích gần 13 nghìn km2, bờ biển dài hơn 90km, dân số khoảng 1,06 triệu người, và địa thế sẵn có, theo các chuyên gia, việc phát triển Đà Nẵng thành đô thị xanh - thông minh đặc biệt cấp quốc gia, hơn nữa là cấp quốc tế, là điều hoàn toàn có thể.

Trong 9 năm liên tiếp từ 2009 đến 2017, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, đoạt giải ASEAN City năm 2015 về ứng dụng CNTT trong khu vực công. Đến nay, Đà Nẵng đã ký kết hợp tác chuyển giao mô hình chính quyền điện tử với 19 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là một trong những nền tảng cốt lõi, quyết định để xây dựng thành công thành phố thông minh.

Hiện tại Đà Nẵng cũng đã triển khai một số ứng dụng giao thông thông minh mang lại tiện ích cao như: giám sát hành trình xe buýt, camera giám sát giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, thành lập trung tâm điều hành giao thông tập trung. Đồng thời, Đà Nẵng đã triển khai các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực môi trường như giám sát nguồn nước tự động về tiêu chuẩn nước uống để báo cáo về trung tâm xử lý khi cần thiết, giám sát hệ thống nguồn nước thải cảnh báo sớm chỉ số gây ô nhiễm để xử lý khi cần thiết.

Bên cạnh đó là, triển khai cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người dân tra cứu các cơ quan đạt chuẩn về an toàn thực phẩm và đang triển khai phần mềm quản lý an toàn thực phẩm, sắp tới tổ chức dán tem an toàn thực phẩm cho sản phẩm không bao gói. Trong lĩnh vực giáo dục, Đà Nẵng đã phê duyệt khung kiến trúc để xây dựng thành phố thông minh cho ngành giáo dục và triển khai phần mềm quản lý hồ sơ cho bệnh nhân.

Chính quyền thành phố cũng đã thiết lập nền tảng hợp tác quốc tế với các tổ chức trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng xanh, thông minh như Hàn Quốc, Singapore qua những mô hình như: thành phố thông minh (Smart City), thành phố xanh (Green City), thành phố đáng sống (Livable City), thành phố sinh thái (ECO City), thành phố các-bon thấp (Low Carbon City)…

Trên hết, chính quyền và người dân TP. Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh và tăng trưởng xanh, trở thành thành phố tiên phong của cả nước. Và những nỗ lực của Đà Nẵng đã nhận được sự hỗ trợ và công nhận của cộng đồng quốc tế. Tại Hội nghị năng lượng Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44, Đà Nẵng được thế giới công nhận là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon thấp nhất, IBM vinh danh là một trong 100 thành phố thông minh… Đà Nẵng cũng được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới công nhận Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2018 - một danh hiệu xứng đáng cho những chính sách và sáng kiến mà chính quyền thành phố và người dân đang thực hiện để trở thành một đô thị phát triển xanh, bền vững và thông minh.

Mô hình bệnh viện thông minh tại Đà Nẵng
Mô hình bệnh viện thông minh tại Đà Nẵng

Những gợi mở cho Đà Nẵng

Tuy có kết quả tích cực trong phát triển đô thị, nhưng Đà Nẵng vẫn còn những tồn tại về quy hoạch, quản lý quy hoạch chưa theo kịp thực tế như cạn kiệt đất xây dựng, ô nhiễm môi trường, thiếu cây xanh, hệ thống hạ tầng xã hội quá tải…

Theo Giáo sư Donyun Kim (Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc), Đà Nẵng có năng lực cạnh tranh để trở thành một thành phố xanh thông minh nhờ vào vị trí, năng lực công nghiệp, nguồn nhân lực và các hỗ trợ chính trị. Phát triển mô hình thành phố xanh thông minh sẽ tạo ra một thành phố đáng sống và hiệu quả làm việc cao. Với mô trường đô thị nén, văn hóa và công nghiệp đan xen phát triển, Đà Nẵng sẽ đại diện cho một kiểu văn hóa đô thị mới. Đây là một đô thị mà ở đó việc sử dụng đất đa mục đích, quy hoạch không gian đa dạng và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu cũng như thay đổi trong tương lai. Đặc biệt, đô thị xanh thông minh cũng là đô thị đi bộ với nhiều hoạt động đường phố phù hợp với khí hậu ở Việt Nam. Để làm được như vậy, Đà Nẵng cần đánh giá vị trí, mục đích và các đặc tính, từ đó xây dựng quy hoạch không gian mở dành cho các hoạt động đi bộ tại các khu vực thấp của tòa nhà. Lưu ý rằng, thành phố thông minh không cần phải có công nghệ phức tạp cũng không phải là thành phố to lớn lớn, mà cần phải có sự lồng ghép công nghệ hiện đại, tiện lợi hơn nhằm giúp thành phố trở nên đáng sống hơn.

“Đà Nẵng hiện đang ở vào thời điểm tốt nhất để đi theo định hướng trở thành thành phố xanh thông minh theo mô hình của riêng mình, thông qua nỗ lực xây dựng cơ cấu công nghiệp giá trị cao, kết hợp văn hóa đô thị và phát triển dịch vụ du lịch. Đà Nẵng cần tập trung lượng lớn tài sản cho nghiên cứu và giáo dục. Hơn nữa, thành phố phải chủ động định hướng tất cả các quá trình tiêu thụ và phân phối”- Giáo sư Donyun Kim đề xuất.

TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quy hoạch đang làm việc tại Bắc Mỹ) cũng đồng tình, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để hướng đến một đô thị tăng trưởng xanh nhưng điều quan trọng lãnh đạo thành phố cần nhìn những bài học của các thành phố lớn về hạ tầng, ngập nước, kẹt xe…Trong tương lai thành phố cần tạo thêm quỹ đất mới thuận lợi cho quy hoạch các khu đô thị đặc trưng, dành tích cho không gian xanh. Trong quy hoạch cũng như định hướng phát triển không gian đô thị, chính quyền thành phố cần chú trọng hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng giữ tỷ lệ 30 - 40% phủ xanh.

“Khi quy hoạch nhà cao tầng phải phát triển đi đôi với phát triển giao thông công cộng, khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng để đi lại. Ngoài ra, chính quyền Đà Nẵng cần quan tâm giữ một tỷ lệ nhất định, ít nhất là 30-40% cho cây xanh mặt nước, một mặt giữ cho Đà Nẵng tăng trưởng xanh và không bị ngập trong tương lai, không gian xanh bản sắc phục vụ cho người dân trong tương lai”- TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị.

Dự báo đến năm 2030 dân số Đà Nẵng là khoảng 2,5 triệu người, trong đó dân số chính thức đô thị khoảng 2,3 triệu người. Với vai trò là Thành phố kết nối, là đầu tàu trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng đang nỗ lực phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trước sức ép đô thị hóa và biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Hướng đến đô thị xanh - thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO