Tiếng dân

Đà Nẵng: Hàng trăm hộ dân “kẹt” ở dự án thoát lũ

Lan Anh 28/12/2023 - 19:35

Dải đất ven sông Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng được quy hoạch là khu vực cây xanh công cộng, hành lang thoát lũ. Tuy nhiên, 13 năm đã trôi qua gần 100 hộ dân ở khu vực này phải sống trong cảnh khốn khổ, thường xuyên ngập lụt, đường sá hư hỏng, ô nhiễm môi trường…vì quy hoạch “treo”.

Ở phố cứ ngỡ như ở quê

Cẩm Lệ là địa phương được xem là có sự chỉnh trang đô thị vượt trội, trong đó phường Hòa Xuân được xem là phường duy nhất cả nước không có kiệt, hẻm. Tuy nhiên khu dân cư tổ 89 nằm sát với bờ sông Cẩm Lệ hiện là nơi sinh sống của gần 100 hộ dân lại không có tên đường, tên nhà và cuộc sống thì trăm bề khó khăn vì vướng quy hoạch treo.

Mặc dù ở giữa đô thị “đáng sống” nhưng khu dân tổ 89 lại là những ngôi nhà cấp bốn xập xệ loang lổ ẩn khuất trong cây cỏ ngút ngàn. Con đường chính lởm chởm đất và đá dẫn vào khu dân cư lúc nào cũng ngập nước vì thấp hơn so với mặt đường, xung quanh cỏ cây um tùm, bốc mùi hôi thối.

h1.jpg
Con đường dẫn vào khu dân cư tổ 89 thường xuyên ngập úng vì thấp hơn so với đường lớn

Sống tại tổ 89, gia đình ông Nguyễn Công Minh có 9 nhân khẩu với 3 thế hệ bao gồm vợ chồng, con cái, dâu rể, cháu ở chung trong căn nhà 2 tầng 90m2 đã xuống cấp, mái lợp bằng tôn nên cuộc sống rất bất tiện. Trước đây, gia đình ông phải “tha hương” thuê trọ vì không chịu nổi mùi hôi thối và nhếch nhác ở đây nhưng đến lúc không “gồng" nổi chi phí đành quay về đây sống tạm.

“Nhà cửa xuống cấp mốc hết rồi nhưng chúng tôi không được xây mới, cũng không sửa được mà chính quyền không giải tỏa. Đợt trước tôi có làm đơn gửi chính quyền địa phương đề nghị cho gia đình lợp tôn để đỡ dột mà họ không cho. Đường sá thì xuống cấp, cây cối mọc um tùm nhếch nhác đầy ruồi muỗi. Sống ở đô thị loại 1 mà còn cực hơn ở vùng nông thôn. Chỉ mong nhanh chóng giải tỏa để có chỗ ở đàng hoàng”, ông Minh bức xúc.

h2.jpg
Người dân phải tự đào mương để nước thoát đi

Đi sâu vào những bụi tre cuối xóm là những ngôi nhà rêu phong bị bỏ hoang không người ở. Trên mảnh đất hàng trăm mét vuông, chỉ còn lại ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Hoành còn có người ở lại.

Ông Hoành nói, ngày ấy dự án triển khai, ai cũng khấp khởi vì sắp được chuyển lên nơi cao ráo, khang trang sinh sống. Nhiều nhà con cái tới tuổi dựng vợ gả chồng dự định chia cho mỗi đứa một lô đất để an cư lạc nghiệp. Thế mà nay con cái họ gần học xong cấp I vẫn sống trong cảnh chung chạ với cha mẹ nơi đây. Bao nhiêu cuộc đối thoại, tiếp dân vẫn chưa biết khi nào đi. Nhà cửa xuống cấp, hễ cứ nghe mưa bão là lo sập nhà.

h3.jpg
Những ngôi nhà nhếch nhác, xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, cải tạo ở tổ 89

“Dự án đã kéo dài hàng chục năm từ đời bố tôi đến đời tôi ngong ngóng được đi mà không biết có được giải tỏa không. Chúng tôi không có tiền mua nhà trên phố mới ở lại đây thôi. Không được thế chấp đất đai, nhà cửa để vay mượn ngân hàng, không thể phát triển kinh tế được.

Chúng tôi tha thiết mong dự án triển khai, nếu không triển khai thì cũng công bố chấm dứt quy hoạch để bà con chúng tôi kết thúc những ngày sống khổ sở vì quy hoạch treo”- ông Hoành chia sẻ.

Vẫn chưa có chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án

Theo tìm hiểu, năm 2009, khu đất trên được công bố quy hoạch là Khu dự trữ đất ven sông phía Bắc khu E - Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ. Đến năm 2010, Đà Nẵng có quyết định về việc thu hồi, giao đất cho Sở Xây dựng quản lý để đầu tư xây dựng dự án. Đến năm 2016, UBND TP Đà Nẵng lại có thông báo kết luận của UBND thành phố về việc thống nhất chủ trương thu hồi đất để giải tỏa 81 hộ dân có nhà ở thực sự theo báo cáo của Sở Tài nguyên&Môi trường để chống ngập úng. Nhiều lần đổi tên quy hoạch nhưng đến nay dự án vẫn chưa rục rịch, gần 100 hộ dân sống tại đây vẫn sống hết sức khó khăn, sửa nhà thì chính quyền không cho.

h4.jpg
Nhiều thế hệ người dân ở khu dân cư tổ 89 trông ngóng ngày được giải tỏa, di dời

Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay theo quy hoạch chung năm 2013 xác định đây là khu vực cây xanh công cộng, hành lang thoát lũ. Quy hoạch chung năm 2019 cùng 3 quy hoạch chi tiết cũng xác định mục đích như trên.

Theo ông Phong, hiện vẫn chưa có chủ trương đầu tư, chưa có phê duyệt dự án tại tổ 89. Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương, thực hiện quy hoạch công viên công cộng cấp đô thị và giao UBND quận Cẩm Lệ khẩn trương rà soát cơ sở pháp lý đất đai cũng như lên phương án về giải tỏa đền bù.

Ông Phong khẳng định, phương án rõ ràng, quan điểm và định hướng khu vực này chắc chắn là được bảo vệ theo vùng đệm thoát lũ và sẽ là khu công viên công cộng, cây xanh công cộng cấp đô thị (hành lang thoát lũ và công viên kết hợp).

Ông Phong cũng khẳng định, dự án này chắc chắn phải là đầu tư công để thành phố có được một công viên. "Đây là một trong những khu vực còn lại có giá trị sát bờ sông, đây là cơ hội và tiềm năng để thành phố có được công viên công cộng tại vị trí này", ông Phong nói.

h6.jpg
Ở giữa đô thị loại I nhưng khu dân cư tổ 89 ngỡ như vùng nông thôn

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng thông tin, khu vực tổ 89 phường Hòa Xuân có 81 hộ dân ở thực sự nhưng rà soát ra thì có 362 hồ sơ đất. Khái toán làm công viên thì kinh phí rất lớn, giải tỏa đền bù phải mất 375 tỷ đồng, bồi thường khoảng 322 lô đất tái định cư.

Ông Triết chỉ đạo thành phố khẩn trương có quyết định cụ thể về phương án công viên chuyên đề tại tổ 89 phường Hòa Xuân.

Trước mắt, những quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân trong vùng quy hoạch chưa triển khai dự án thì đề nghị UBND quận Cẩm Lệ hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, cần thiết họp dân để thông báo chính thức những quyền lợi được hưởng.

Ông Triết cũng chỉ đạo UBND thành phố, UBND quận Cẩm Lệ, Sở Xây dựng cùng các ngành liên quan hết sức lưu ý giải quyết vấn đề tại tổ 89 phường Hòa Xuân vì đây là kiến nghị, bức xúc kéo dài lâu năm của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Hàng trăm hộ dân “kẹt” ở dự án thoát lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO