Môi trường

Đà Nẵng đồng hành cùng dòng chảy xanh

Lan Anh 01/01/2024 - 09:15

(TN&MT) - Đà Nẵng lâu nay được biết đến với danh xưng “Thành phố đáng sống”, “Thành phố môi trường” bởi là nơi hội tụ của thiên, địa, nhân thuận hòa cùng những chính sách phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Để chắp cánh cho thành phố đồng hành cùng dòng chảy xanh, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mới với tầm nhìn dài hạn đưa Đà Nẵng không chỉ là nơi đáng sống mà còn đáng đầu tư và cống hiến.

Nền móng vững chắc

Những ngày đầu năm 2023, Đà Nẵng đón nhận tin vui khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước với tổng điểm đánh giá theo bộ chỉ số PEPI là 79,82 điểm. Đây là “quả ngọt” mà thành phố gặt hái được từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 15 năm xây dựng “Thành phố môi trường”.

da-nang-khong-ngung-cai-thien-chat-luong-moi-truong.jpg
Đà Nẵng không ngừng cải thiện chất lượng môi trường

Theo Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố (GRDP) ước tăng 8 - 8,5%. Dự kiến quy mô nền kinh tế đạt mức khoảng 165.000 tỷ đồng, mở rộng thêm khoảng 30.000 tỷ đồng so với năm 2023.

Hiện, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó, từ 2022 đến 2025 là giai đoạn khởi động; từ 2025 đến 2030 là giai đoạn phát triển và từ 2030 đến 2045 sẽ tăng tốc; dự kiến đến cuối năm 2045 Đà Nẵng sẽ cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.

Còn nhớ năm 2007, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng từng quyết định từ chối 2 dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên đến gần 4 tỷ USD (xây dựng nhà máy thép của nhà đầu tư Đài Loan, nhà máy bột giấy của nhà đầu tư Nhật Bản) để bảo vệ môi trường. Sau đó, lãnh đạo địa phương này cũng tiếp tục từ chối thêm một số dự án nhà máy khác như khu liên hợp dệt nhuộm với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Thời điểm ấy, kiên quyết từ chối dự án "tỷ đô" để theo đuổi mục tiêu kinh tế xanh là một sự táo bạo, nhưng hiện tại đã chứng minh quyết định đó là hoàn toàn chính xác. Đà Nẵng đang được coi là điểm đến lý tưởng về thu hút đầu tư, là hình mẫu “Thành phố môi trường” ở Việt Nam.

Những tên tuổi toàn cầu đã đến đầu tư khai thác và quản lý du lịch, những ngân hàng quốc tế, các tập đoàn đổ hàng trăm triệu USD vào Đà Nẵng đầu tư như Nhà máy điện tử Foxlink, Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) giúp cho thành phố tạo được động lực phát triển. Từ đó, hàng triệu việc làm mới đã cải thiện đời sống cho người dân... Năm 2023, trong bối cảnh chung không mấy thuận lợi, tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, thành phố đã thu hút được gần 200 triệu USD, đạt 135% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng đã có hơn 1.000 dự án vốn FDI đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, với tổng số vốn đạt gần 4,3 tỷ USD.

Đà Nẵng là địa phương tiên phong đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với các hành động cụ thể như ưu tiên lựa chọn công nghệ giảm phát thải các-bon, triển khai các dự án tiết kiệm hiệu quả năng lượng. Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn 650 tấn/ngày và 1.000 tấn/ngày sẽ thu gom, xử lý rác thải và sản xuất năng lượng từ rác thải. Bên cạnh đó là những dự án cải thiện môi trường nước, Đà Nẵng cũng đưa ý tưởng về thành phố xanh, môi trường vào trong mọi hành động để lan tỏa thông điệp này đến với doanh nghiệp, cộng đồng.

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, qua đánh giá hiện trạng và phân tích các cơ hội, thách thức..., có nhiều lý do để chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng và điều đó là rất cần thiết. Chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại những lợi ích trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên, biến đổi khí hậu; khai thác được nền tảng công nghệ cao hiện có cho thành phố.

Đồng thời, khắc phục, điều chỉnh những vấn đề về kinh tế - xã hội như tình trạng dân số già hóa nhanh, thất nghiệp, việc làm lương thấp, tay nghề thấp, bất bình đẳng thu nhập, bất bình đẳng giới tính. Việc chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cho thành phố đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và tiệm cận gần hơn với Đà Nẵng - “Thành phố môi trường”.

Vươn dậy mạnh mẽ

Từ những nền tảng vững chắc đó, những ngày cuối năm 2023, người dân thành phố bên sông Hàn tiếp tục nhận thêm niềm vui khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - một văn bản quan trọng để hiện thực hóa khát vọng vươn lên của thành phố Đà Nẵng.

da-nang-duoc-phe-duyet-quy-hoach-thanh-pho-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050..jpg
Đà Nẵng được phê duyệt quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch này đặt trọng tâm vào các phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố để hướng đến mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường”. Đồng thời, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm định hướng; lấy việc duy trì các điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm; hình thành các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, các vùng hạn chế phát thải phù hợp với định hướng tổ chức không gian kinh tế - xã hội...

Phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, quy hoạch Đà Nẵng lần này được xây dựng với một tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, dựa trên tiềm năng phát triển, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43, thể hiện khát vọng của nhân dân Đà Nẵng về một thành phố đáng sống, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước.

Thành phố sẽ đóng vai trò đô thị trung tâm của chuỗi đô thị, cực tăng trưởng duyên hải miền Trung. Đây sẽ là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao… Đà Nẵng không chỉ là thành phố đáng sống mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.

Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu tham vọng này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Đà Nẵng không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường, mà mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân phải chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất. Đà Nẵng cần hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá với trọng tâm là thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm mục tiêu, thước đo tăng trưởng.

“Chìa khóa thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng khơi dậy nguồn lực con người vô cùng mạnh mẽ, chúng ta có niềm tin rằng TP. Đà Nẵng tiếp tục đạt được những kỳ tích trong phát triển bởi tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của nhân dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với quy hoạch mới này, kỳ vọng Đà Nẵng sẽ lặp lại kỳ tích lần hai trên chặng đường phát triển mới. Khát vọng này có thể khiến nhiều người nghi hoặc vì cho rằng rất khó trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi. Khó, nhưng không thể vì sợ khó mà thiếu quyết tâm, nỗ lực. Tin rằng, những kỳ tích “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” sẽ là động lực để người dân Đà Nẵng sẽ “vượt khó” tạo sức bật mới trong hành trình phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng đồng hành cùng dòng chảy xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO