Đà Nẵng: Có nên bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện?

Yến Nhi| 11/10/2019 17:50

(TN&MT) - Ngày 11/10, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng.

1. Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Thông qua hội thảo, TP. Đà Nẵng mong muốn được lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung Đề án, tập trung vào 2 nội dung chính đó là: Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động chính quyền các cấp tại Đà Nẵng trong thời gian qua; Thảo luận các định hướng, đề xuất các phương án, nội dung kiến nghị đổi mới về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị TP. Đà Nẵng theo nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất đưa ra mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng theo 2 phương án. Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức 01 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 02 cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã). Phương án này được đề xuất căn cứ vào tình hình đặc điểm, quy mô, tính chất đô thị TP. Đà Nẵng (6 quận nội thành, 1 huyện Hòa Vang có 11 xã và huyện Hoàng Sa) và dựa vào kinh nghiệm từng thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009 - 2016.

Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức 02 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện) và 01 cấp hành chính (áp dụng đối với phường), cụ thể là không tổ chức HĐND phường tại TP. Đà Nẵng.

Trước khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 ban hành, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đạt kết quả tích cực. Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành và có hiệu lực thi hành từ năm 2016, TP. Đà Nẵng tái lập HĐND quận, huyện, phường; đảm bảo cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND, UBND được tổ chức ở cả 3 cấp (thành phố, quận/huyện và phường/xã). Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, năm 2016 đã bầu 49/50 đại biểu HĐND thành phố, 250/251 đại biểu HĐND quận, huyện và 1.550/1.559 đại biểu HĐND phường, xã.

2. Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng nên bỏ HĐND ở cấp quận, phường. TS. Nguyễn Huyền Hạnh - Phó viện trưởng Viện KHTCNN, Bộ Nội vụ đề xuất là không tổ chức đầy đủ 3 cấp chính quyền địa phương ở đô thị như hiện nay, đô thị lớn hay nhỏ chỉ nên có 1 cơ quan HĐND ở cấp toàn đô thị. Mỗi một đô thị chỉ cần 1 cấp chính quyền đầy đủ là HĐND và UBND và nếu là đô thị lớn thì quận, phường chỉ là những cơ quan hành chính chứ không phải 1 cấp chính quyền.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng cho biết, trong quá trình triển khai thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND quận/huyện, phường từ năm 2009 đến 2015 của thành phố đạt kết quả tốt, hoạt động chính quyền ổn định, thông suốt, người dân và doanh nghiệp hài lòng với cách thức phục vụ của chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ công, TP. Đà Nẵng luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu về các chỉ số năng lực cạnh tranh… Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận/huyện, phường đảm bảo tiến độ đề ra, tạo sự đồng thuận của cán bộ công chức và các tâng lớp nhân dân thành phố thể hiện qua việc cắt giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm được một phần chi phí hành chính… Chính vì thế, theo ông việc bỏ HĐND cấp cơ sở nếu được thực hiện trở lại thì cũng không gặp nhiều khó khăn và mang lại hiệu quả quản lý tốt hơn cho địa phương.

Tuy nhiên, ông Phan Thanh Long - Trưởng Ban Pháp chế (HĐND thành phố) thì đặt ra câu hỏi: Phương pháp hoạt động của HĐND thành phố sắp tới sẽ như thế nào? Không còn HĐND ở cấp quận, huyện, xã, phường thì phần việc của cấp quận huyện, cấp xã phường sẽ dồn về cho HĐND thành phố gánh vác đảm nhận trong khi đại biểu hạn chế mà thêm việc, thêm chức năng nhiệm vụ thì việc triển khai, giải quyết công việc của HĐND thành phố sẽ rất khó khăn. Ông Long đề xuất, nên nghiên cứu kỹ phương án cắt giảm đại biểu HĐND cấp cơ sở một cách kỹ lưỡng và hợp lý.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, thành phố cần xin cơ chế đặc thù riêng để có thể linh động trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách và để người dân và chính quyền nâng cao được tính tự chủ.

Sau khi lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, tham luận của các đại biểu, UBND thành phố sẽ tổng hợp và tìm ra giải pháp hoàn thiện nhất để xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Có nên bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO