Đà Nẵng tiếp tục chọn năm 2020 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, tạo tiền đề và động lực để thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
TP. Đà Nẵng đã nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, do đó công tác thu hút đầu tư của thành phố thời gian qua có nhiều khởi sắc.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2020, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.815 tỷ đồng và cấp mới cho 50 dự án đầu tư FDI với tổng vốn cấp mới 77,546 triệu USD.
Lũy kế đến nay, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 337 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 115.713 tỷ đồng và có 853 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,476 tỷ USD.
Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang nỗ lực hồi phục sản xuất sau ảnh hưởng của dịch bệnh |
Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cho biết, để kịp thời đón các làn sóng đầu tư FDI từ các quốc gia trên thế giới và tiếp cận với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới sau dịch bệnh, TP. Đà Nẵng đang đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị một số quỹ đất để kêu gọi đầu tư, trong đó đẩy nhanh thủ tục liên quan để hình thành Khu Công viên phần mềm số 2; xúc tiến kêu gọi đầu tư dự án vào Khu CNTT tập trung; KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Ninh... Đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND các quận huyện (Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng) tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm các “điểm nghẽn” mặt bằng.
Chuẩn bị đầu tư hạ tầng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Đối với lĩnh vực dịch vụ, thành phố hoàn thiện các thủ tục cơ bản để tổ chức đấu giá, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại.
Ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 của TP. Đà Nẵng, nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư. Ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, công nghệ cao,...
Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang là điểm đến thu hút đầu tư |
Tập trung xúc tiến thu hút đầu tư các dự án CNC, các sản phẩm mang tính toàn cầu, ít gây ô nhiễm, có giá trị gia tăng cao góp phần tạo kim ngạch xuất khẩu lớn; đón đầu làn sóng di chuyển đầu tư sản xuất các ngành công nghệ sang Đông Nam Á với môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, hạ tầng hiện đại phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư khó tính đến từ Bắc Mỹ, châu Âu thời hậu COVID-19.
Bên cạnh đó sẽ tăng cường hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết nhanh, kịp thời các thủ tục đầu tư nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch. Đẩy mạnh đăng ký kinh doanh trực tuyến, đăng ký kinh doanh tại nhà nhằm giảm chi phí, sớm đưa doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Cùng với các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, thành phố tiếp tục triển khai song song các giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện TP. Đà Nẵng có 6 KCN đã được đầu tư đồng bộ các hạ tầng công nghệ, viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước...Ngoài các KCN trên, TP. Đà Nẵng đang lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng 3 KCN mới (KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh) với tổng diện tích hơn 880 ha, tổng giá trị đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
Dự kiến khi 3 KCN mới này đi vào hoạt động, TP. Đà Nẵng sẽ có 10 KCN với tổng diện tích khoảng 2.202 ha, tạo điều kiện có được quỹ đất công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư trong thời gian đến.