Ngay từ sáng nay (15/10), khi nước bắt đầu rút, gia đình bà Trần Lê Bích Ngọc, ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê đã khẩn trương dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, xối rửa bùn đất đường sá để ổn định cuộc sống. Bà Trần Lê Bích Ngọc cho biết, toàn bộ tầng 1 của ngôi nhà ngập bùn đất, tất cả các xe máy, bàn ghế đều bị ngập. Tối trước đó, nước lên quá cao, gia đình bà nhanh chóng lên tầng 2 ở phó mặc đồ đạc trôi nổi trong biển nước.
“40 năm sống ở Đà Nẵng, lần đầu tôi thấy có trận ngập sâu và nhanh đến như vậy. Đến trưa thì đã cơ bản dọn sạch được nhà, cái nào hư hỏng thì đành chấp nhận bỏ đi. Giờ cùng với bà con và lực lượng thanh niên trong khu phố dọn bùn bên ngoài đường”- bà Ngọc chia sẻ.
Trên các tuyến đường, lực lượng CSGT đã huy động hàng trăm lượt xe cẩu, xe cứu hộ để giúp đỡ người dân và phương tiện ô tô, xe máy chết máy, hư hỏng nằm la liệt; các Hội đoàn thể phường ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường chính, các khu vực, địa điểm bị ảnh hưởng về môi trường do trận lụt gây ra, cụ thể khu vực ven biển, các điểm thoát nước, các tuyến đường bị ngập úng, khu vực bị sạt lỡ và bị đất đá, bùn cát vùi lấp trên các tuyến đường, gây ách tắc an toàn giao thông trên địa bàn.
Chiều 15/10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết ký công văn gửi cấp ủy các cấp và các ngành, địa phương về việc khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra.
Theo công văn, do ảnh hưởng của bão số 5, từ chiều ngày 14/10 đến rạng sáng ngày 15/10, trên địa bàn thành phố đã có mưa đặc biệt lớn, lượng mưa phổ biến từ 400-700 mm, nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập nặng, giao thông chia cắt, một số khu vực bị sạt lở, ngập sâu phải sơ tán người dân, gây khó khăn trong công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chức năng.
Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo tiếp tục phát huy phương châm “4 tại chỗ”, chủ động trong công tác khắc phục thiệt hại của bão số 5 với tinh thần khẩn trương, kịp thời, trực tiếp đến từng hộ dân, từng cơ sở kinh tế, xã hội trên địa bàn TP.
Các địa phương cần làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại, các gia đình có người bị thương vong nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất và ổn định cuộc sống. Đồng thời, phải xây dựng phương án hỗ trợ thiệt hại cho người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa bão.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Nhất là công tác dự báo, đánh giá diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của mưa bão.
Quan trọng nhất là các địa phương phải đảm bảo lương thực, nước sạch cho người dân. Đồng thời thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị những người bị thương do mưa bão gây ra.
Trận mưa kỷ lục ngày 14/10 khiến nhiều tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt giao thông. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, hàng loạt đoạn đường lên núi Sơn Trà bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn. Đặc biệt là khu vực bãi Nam của núi Sơn Trà sạt lở lớn, chia cắt nên lực lượng vẫn chưa thể tiếp cận khu vực này và thống kê thiệt hại.