Hiện nay, nhu cầu xây dựng nhà ở và các công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là rất lớn, phát sinh nhiều phế thải xây dựng. Tại nhiều địa phương tình trạng đổ trộm, bừa bãi phế thải xây dựng tại các khu đất trống, vỉa hè và đường thưa thớt dân cư đã diễn ra lâu nay. Người dân và các đơn vị liên quan phải hao tốn nguồn lực để xúc dọn phế thải xây dựng mang đến một số địa điểm có nhu cầu san lấp mặt bằng hoặc khu vực ao hồ, thấp trũng... để đổ. Nghiêm trọng hơn, nhiều hộ dân đổ phế thải xây dựng chung với rác thải sinh hoạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý rác sinh hoạt.
Thời gian qua, tại quận Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu… (Đà Nẵng), đã xảy ra nhiều trường hợp nhà thầu đổ trộm chất thải xây dựng. Hễ chỗ nào có đất trống là có phế thải xây dựng đổ tràn lan, bừa bãi, ngay cả ở khu vực trung tâm hay những tuyến đường du lịch của thành phố. Các địa phương phải thường xuyên bố trí lực lượng “mai phục”, bắt “tại trận” và xử phạt các xe chuyên đổ bừa bãi phế thải, xà bần. Sau đó, địa phương lại huy động đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương tổ chức ra quân dọn vệ sinh xoá bỏ điểm tập kết xà bần, phế thải… rất vất vả. Tuy nhiên, tất cả chỉ như “muối bỏ bể” bởi chỉ sau đó khoảng dăm bữa, nửa tháng là lại tái diễn tình trạng cũ.
Để đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị. TP. Đà Nẵng đã có sáng kiến hình thành mỗi quận có 1 bãi tập kết phế thải xây dựng và ký hợp đồng với đơn vị xử lý môi trường phân loại xử lý. Những chất thải xây dựng thông thường được tái sử dụng san lấp các công trình phòng chống sụt lút, giảm thiểu lượng lớn rác thải phải xử lý.
Ghi nhận tại tại phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, khi hình thành bãi tập kết tạm phế thải đã tiếp nhận hàng ngàn khối phế thải xây dựng. Từ đó, đã giảm thiểu được tình trạng người dân đổ bừa bãi phế thải xây dựng, đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, đến nay bãi tập kết này đã hết phép. Do đó, chủ bãi tập kết rất mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện để đơn vị được gia hạn tiếp tục hoạt động. Đơn vị cam kết tưới nước, bố trí nhân viên quét dọn đường tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở các khu vực trên tuyến đường xe chạy.
Ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng cho biết: Do địa bàn rộng (7,9ha) gấp 5- 7 lần so với các phường khác trên địa bàn thành phố, lại có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh với nhiều khu đô thị, khu đất dự án được triển khai nhưng chưa được lấp đầy dân cư như: khu đô thị Phước Lý hay khu vực đất công cộng quanh khu vực hồ Trung Nghĩa... đã khiến tình trạng đổ trộm giá hạ, xà bần đang trở thành vẫn đề nhức nhối. Vấn đề này chính quyền, cấp ủy địa phương đặc biệt quan tâm.
“Thời gian tới, chúng tôi cũng tính đến phương án hình thành 5-7 vị trí tập kết chất thải rắn ở mỗi phường và thông báo rộng rãi đến với người dân. Nếu người dân vào vi phạm thì sẽ xử phạt để giải quyết tình trạng đổ trộm xà bần, rác thải trong khu dân cư trên địa bàn”- ông Phúc cho biết.