Đà Nẵng: Bảo tồn đa dạng sinh học có nhiều tiến bộ

Lan Anh| 26/11/2021 22:54

(TN&MT) - Ngày 26/11, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) tổ chức Hội thảo Đa dạng sinh học đối với sự phát triển của thành phố nhằm đưa ra những giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, công tác bảo tồn và phát huy tính đa dạng sinh học có vai trò hết sức quan trọng trong định hướng phát triển bền vững, đặc biệt đối với các ngành du lịch, nông - lâm - ngư nghiệp, dược liệu, nghiên cứu khoa học và điều hòa khí hậu cho thành phố. Những năm qua nhờ làm tốt công các bảo vệ rừng mà bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố đã có nhiều tiến bộ.

Theo đó, đến năm 2020, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn Đà Nẵng là 66.408,64 ha, chiếm khoảng 51% diện tích đất tự nhiên của thành phố. Trong đó, tỷ lệ che phủ rừng của thành phố hiện nay đạt 47,2%, tăng 3,65% so với năm 2016 và cao hơn 5,19% so với mức bình quân chung của cả nước. So với giai đoạn 2011-2015, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về lâm nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 đã giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại; nhất là số vụ cháy rừng giảm 42,86% và thiệt hại về rừng giảm 79,4%.

Nhờ làm tốt công các bảo vệ rừng mà bảo tồn đa dạng sinh học của thành phố đã có nhiều tiến bộ.

Ngày càng có nhiều các loài thú quý hiếm được ghi nhận, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu chứng tỏ công tác quản lý bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng hiệu quả.

Đặc biệt năm 2020, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của thành phố...

Bán đảo Sơn Trà là nơi cư ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo với hàng chục loài thú thuộc nguồn gen quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn

Theo đó, xây dựng lộ trình để nghiên cứu, đề xuất nâng cấp, đầu tư phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên hiện trạng như: Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà, Nam Hải Vân; nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn của thành phố theo hướng trở thành vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển... theo các tiêu chí quốc gia; hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách quản lý các khu bảo tồn trên cạn và dưới nước của thành phố; xây dựng, thực hiện và nhân rộng các mô hình, chương trình, dự án về bảo tồn và phát triển có hiệu quả các nguồn gen có giá trị...

Theo ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng, nguồn tài nguyên rừng, Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 của thành phố đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức từ 47% trở lên, 46% rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng, 50% số họ miền núi có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hoá, giảm tối đa có vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo an ninh môi trường rừng.

Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên tại Sơn Trà đã thu hút hàng nghìn lượt học sinh đến tham quan, tìm hiểu

Còn ông Trần Hữu Vỹ, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cho rằng giáo dục thiên nhiên nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ đa dạng sinh học cho người dân, nhất là giới trẻ có ý nghĩa quan trọng. Những năm qua để nâng cao hiệu quả giáo dục nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học tại Sơn Trà, Green Việt đã thành lập Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên và thu hút hơn 2500 lượt khách đến tham quan khám phá, chủ yếu là các em học sinh, sinh viên.

“Sự thay đổi phương pháp học tập ở các trường học hiện nay là học trải nghiệm qua thực tế. Bán đảo Sơn Trà là nơi cư ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo với 1.308 loài trên cạn và dưới nước, với hàng chục loài thú thuộc nguồn gen quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn. Điểm đặc biệt của Sơn Trà còn nhờ có loài đặc hữu của khu vực Đông Dương là Voọc chà vá chân nâu. Do đó, chúng ta cần bảo tồn đa dạng sinh học của Sơn Trà là nơi để người dân đến tìm hiểu, trải nghiệm, nghỉ ngơi và truyền cảm hứng hành động như công dân sinh thái của TP. Đà Nẵng”- ông Trần Hữu Vỹ chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Bảo tồn đa dạng sinh học có nhiều tiến bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO