Hiện nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có diện tích 46.730.51ha rừng và đất lâm nghiệp, thuộc 5 xã biên giới huyện Mường Nhé: Sín Thầu, Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn. Khu bảo tồn có ý nghĩa quan trọng, trong bảo vệ đa dạng sinh học các loài động thực vật. Ngoài ra, KBTTN còn giữ vai trò phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đệm, đảm bảo sinh kế cho người dân từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Khu BTTN hiện còn nhiều cánh rừng nguyên sinh: rừng thường xanh trên đất thấp, rừng thường xanh núi thấp, rừng thường xanh trên núi cao và rừng tre nứa được bảo tồn nguyên vẹn và là nơi trú ngụ của nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Với mục tiêu bảo tồn các loài thú lớn và các hệ sinh thái rừng đặc trưng cho vùng núi cao Tây Bắc, KBTTN Mường Nhé được đánh giá thuộc loại lớn ở Việt Nam, có tính đa dạng sinh học cao và hệ sinh thái rừng phong phú.
Điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học tại Khu BTTN Mường Nhé |
Hệ sinh thái rừng ở đây nằm trong thảm thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới với 742 loài thực vật, 257 loài chim, 177 loài thú và bò sát... Trong đó, có 45 loài động vật và 22 loài thực vật thuộc danh mục động, thực vật nguy cấp, quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã phối hợp với Hạt kiểm lâm Thành phố Điện Biên Phủ, Phòng cảnh sát môi trường công an tỉnh Điện Biên tiến hành tái thả 1 lượt động vật tại KBT gồm 3 cá thể kỳ đà hoa (Varanus Salvator) về môi trường sống tự nhiên tại KBTTN Mường Nhé.
Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Mường Nhé, cho biết: Để bảo vệ tính đa dạng sinh học động - thực vật, thời gian qua, lực lượng Ban quản lý KBTTN Mường Nhé chủ động tuần tra, kiểm soát những khu vực trọng điểm về tình trạng phá rừng khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã; Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cán bộ kiểm lâm đã phát hiện và ngăn chăn kịp thời nhiều vụ khai thác gỗ và phát rừng trái phép; Phối kết hợp với UBND 5 xã vùng đệm và các lực lượng đóng chân trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn ĐDSH; Mở lớp tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật môi trường tại 5 xã Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè, Sín Thầu, Leng Su Sìn.
KBTTN Mường Nhé là nơi các Bộ, ngành, các nhà khoa học tập trung đầu tư nghiên cứu, bảo tồn tính ĐDSH. |
Tương lai KBTTN Mường Nhé là nơi các Bộ, ngành, các nhà khoa học tập trung đầu tư nghiên cứu, bảo tồn tính ĐDSH, kiểm soát và bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm. Qua đó, Khu BTTN Mường Nhé có những chính sách phù hợp, thu hút nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH; sớm xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ công tác bảo tồn và nghiên cứu.