Cứu sống 33 người trong sạt lở núi: Niềm an ủi giữa những thương đau

Lan Anh- Võ Hà| 29/10/2020 21:29

(TN&MT) - Đến chiều 29/10, lực lượng chức năng đã tìm được 33 người trong số 53 người dân bị mất tích trong vụ sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Những nạn nhân sống sót trong đống đất đá đổ nát của vụ sạt lở đất ở Trà Leng được xem là điều kỳ diệu khi những hi vọng đang dần tắt.

Nước mắt Trà Leng

Trà Leng giờ chỉ là bãi đất ngổn ngang cây cối, đá tảng và những thứ cột kèo sau trận sạt lở núi kinh hoàng. Những tiếng khóc xé lòng của những đứa trẻ được cứu sống từ vụ sạt lở đất ở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam vọng khắp đại ngàn. Em khóc không chỉ vì nỗi đau do thương tích, mà còn khóc vì nỗi kinh hoàng vừa xảy ra đã cướp đi gia đình và những bình yên bao năm qua.

Làng Trà Leng bị xóa sổ, san phẳng sau sạt lở núi

Ngơ ngác giữa mênh mông núi rừng, ai hỏi gì chị Hồ Thị Hòa cũng chỉ biết lắc đầu, không nói nên lời. Dường như nỗi đau đã quá sức chịu đựng với người dân nơi đây. Toàn bộ gia đình chị gồm cha, mẹ, con gái, và những người họ hàng vẫn bị vùi lấp trong đống đất đá. 15h30, thi thể ông Hồ Văn Công, cha của chị Hòa được tìm thấy. 

Chị Hồ Thị Hòa thẫn thờ trước nỗi đau quá lớn khi người thân vẫn còn vùi lấp trong đất đá

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tính đến cuối giờ chiều nay đã cứu được 33 người, 16 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng; tìm thấy 6 thi thể, còn 14 người chưa tìm thấy.

Những người may mắn sống là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết. Lực lượng Quân đội đưa các nạn nhân ra điểm tập kết tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Địa điểm này cách hiện trường khoảng 15km. Tại đây, bộ phận y tế tiến hành sơ cứu, cứu thương ban đầu. 8 nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Bắc Trà My.

“Hai em nhỏ bị gãy chân, nhiều người bị thương”, một cán bộ y tế nói với chúng tôi tại hiện trường. Thượng tá Hà Ra Diêu -Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My,cho biết, công tác cứu nạn gặp vô vàn khó khăn do sạt lở đường sá, hiện trường vụ việc vô cùng tàn khốc, cả ngôi làng bị san phẳng như bình địa.

Trà Leng ngổn ngang sau vụ sạt lở núi

Chị Hồ Thị Hà - một trong số các nạn nhân vừa được quân đội đưa ra khỏi hiện trường vụ sạt lở vẫn còn ôm khăng khăng cô con gái trong lòng. Mặt, mũi, tay chân người phụ nữ đã lấm lem bùn đất, chi chít những vết thương. Theo lời chị Hà, ngày 28/10, chị cùng 2 con gái sang nhà bà ngoại. Bão kéo đến khiến cả ngôi nhà bị đất vùi lấp.

"Không ai kịp làm gì cả, mọi người chỉ biết gọi nhau chạy. Nhà 5 người bị vùi hết, 3 mẹ con may mắn sống còn ông bà ngoại thì...", chị Hà khóc nấc.

Đôi môi run rẩy, anh Đinh Văn Thượng vẫn chưa thể hoàn hồn sau trận sạt lở núi kinh hoàng kể, lúc ấy tầm 3h chiều chỉ nghe 1 tiếng ầm rất lớn. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, đã thấy cả căn nhà đổ sập. Chỉ trong giây lát, xung quanh, tất cả đều tràn bùn đất. Không còn một căn nhà nào. Cả làng đều bị san phẳng.

Những tiếng khóc xé lòng của những đứa trẻ được cứu sống từ vụ sạt lở đất ở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam vọng khắp đại ngàn

"Trận sạt lở kéo dài nửa tiếng. Khi đất hết sạt lở, tôi đứng dậy, gọi lớn. Đâu đó vẫn còn nghe tiếng kêu cứu, tôi liền cùng những người còn sống, mạnh khỏe giúp đỡ những người bị thương nặng. Đến khoảng 9h sáng 29/10, tôi quyết định đi bộ ra khỏi làng kêu cứu, tôi phải vượt qua nhiều ngọn núi vì đường bị sạt lở. Ngay khi thấy đường lớn, tôi biết mình còn sống. Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên được sự việc kinh hoàng này" - anh Thượng kể.

Nỗ lực tìm kiếm

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp 3 vụ sạt lở nghiêm trọng ở Quảng Nam, đau thương nối tiếp đau thương khi số người mất tích được báo về cứ tăng lên. Ngay sau khi có thông tin xảy ra sạt lở núi tại xã Trà Leng và xã Trà Vân, huyện Nam Trà My khiến 53 người bị vùi lấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện khẩn yêu cầu phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hàng trăm chiến sĩ quân đội, công an cùng người dân xã Trà Leng bới tìm từ đêm qua đến nay để cứu các nạn nhân.

Ngay trong đêm 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với địa phương và quân đội để triển khai cứu hộ cứu nạn các nạn nhân mất tích. Lực lượng của Quân khu V, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã lên đường ngay trong đêm tìm cách tiếp cận vị trí sạt lở song khối lượng đất đá sạt lở quá lớn. Phó Thủ tướng yêu cầu yêu cầu hành quân bằng mọi con đường và phương tiện để vào điểm sạt lở. Như dùng xuồng đi trên sông Tranh, sử dụng trực thăng bay khảo sát và tìm kiếm, thả người xuống điểm cứu nạn. Khi chưa thể đưa cơ giới vào thì cần sử dụng phương án thủ công, phải khẩn trương vì sự mong đợi của gia đình các nạn nhân.

Phải dùng đòn tre, võng dù làm cáng đưa những người bị nạn từ nơi sạt lở về điểm an toàn ở thôn Trà Leng

Gần 1.000 người của các lực lượng chia làm 4 mũi tiếp cận hiện trường các vụ sạt lở tại huyện Nam Trà My và huyện Phước Sơn: đường sông (lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2), đường bộ và đường không (trực thăng của Bộ Quốc phòng và flycam) tại huyện Nam Trà My và đường bộ tại huyện Phước Sơn. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, lực lượng Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam đã giải phóng ách tắc đường và thông vào được hiện trường các vị trí sạt lở ở xã Trà Leng và xã Trà Vân. 

Người sống sót sau vụ sạt lở núi vẫn chưa hết bàng hoàng

Hiện tại, lực lượng cứu nạn (Quân khu 5, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, lực lượng tại chỗ) vẫn đang tranh thủ từng giây từng phút tập trung cứu chữa người bị thương và dồn sức tìm kiếm 14 người còn đang mất tích trong vụ sạt lở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứu sống 33 người trong sạt lở núi: Niềm an ủi giữa những thương đau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO