Cuộc chiến "ngao - cát" ở Hải Phòng: Hàng trăm tỉ đồng nhà nước “bốc hơi” nơi cửa biển

12/10/2018 10:18

Đã nhiều lần, những cuộc ẩu đả, đâm chém diễn ra giữa những người nuôi ngao và các tàu “cát tặc” nơi cửa biển. Tại “điểm nóng” này, các hộ nuôi ngao chỉ mang tính tự phát, còn doanh nghiệp khai thác cát thì chưa đủ điều kiện khai thác tài nguyên, thế nhưng mỗi ngày hàng chục tàu “cát tặc” công suất lớn vẫn ngang nhiên rút ruột cửa biển. “Ngao - cát” tranh giành cát cứ, Nhà nước thất thu hàng nghìn tỉ đồng…

“Ngao - cát” hỗn chiến

Từ khi các doanh nghiệp tổ chức cắm phao nhận lãnh địa nơi cửa sông Văn Úc, tình hình ANTT khu vực trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Cuộc chiến giữa những người nuôi ngao và các tàu “cát tặc” thường xuyên diễn ra ở đây. Chỉ tính riêng huyện Kiến Thụy đã có 232 hộ nuôi ngao với khoảng 2.000 lao động thường xuyên sinh nhai nhờ những gồ cát, tất cả miếng cơm manh áo của họ đều trông chờ vào các bãi ngao này. Chính vì thế, lúc doanh nghiệp tổ chức cắm phao nhận lãnh địa, bát cơm bị xâm hại, người nuôi ngao không còn cách nào khác là phải đứng lên bảo vệ tài sản của mình. Và những cuộc ẩu đả, tranh giành cát cứ cũng bắt nguồn từ đây.

Điển hình nhất, khoảng 8h ngày 8.10, trong khi đi kiểm tra tại khu vực nuôi ngao, người dân phát hiện một số tàu khai thác cát trái phép đang sử dụng vòi bạch tuộc khoét sâu vào những gồ cát tại khu vực gồ Đông cửa sông Văn Úc (huyện Kiến Thụy). Ngay sau đó, hàng chục hộ dân đã tập trung huy động phương tiện tổ chức xua đuổi các tàu “cát tặc” này. Tình hình trở nên căng thẳng khi hàng chục đối tượng “bảo kê” cho các tàu “cát tặc” sử dụng hung khí thách thức người dân. Trong lúc hai bên tranh giành cát cứ, ít nhất 4 người dân đã bị các đối tượng bảo kê “cát tặc” đánh trọng thương, phải đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện.
 

7 2 Opt 4
Các tàu cát tặc sử dụng vòi “bạch tuộc” và máy công suất lớn để rút ruột tài nguyên ở Hải Phòng. Ảnh: TN.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Đồn Biên phòng Đoàn Xá (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Hải Phòng) và Công an huyện Kiến Thụy (Công an TP.Hải Phòng), đã có mặt bảo vệ hiện trường, điều tra vụ việc. Theo thông tin Báo Lao Động thu thập được, 3 tàu “cát tặc” được đưa về khu vực neo đậu tàu thuyền Quán Tránh (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy), gồm: Tàu số BN-0050 do Đào Văn Toàn làm thuyền trưởng, trên tàu có 60,06m3 cát san lấp; tàu số ND-2887 do Đào Văn Tú (khu 16 phường Ngọc Châu, TP.Hải Dương) làm thuyền trưởng, trên tàu có 120m3 cát san lấp và tàu số HD-1364 do Đào Văn Phong (khu 11, phường Ngọc Châu, TP.Hải Dương) làm thuyền trưởng, trên tàu chứa 90,45m3 cát san lấp. Tất cả các con tàu trên đều không xuất trình được các giấy tờ thủ tục hợp pháp cho việc khai thác cát ở khu vực này.

Theo ghi nhận thực tế, cả 3 tàu “cát tặc” trên đều được trang bị máy móc công suất lớn kèm theo là hệ thống máy hút, máy đẩy với các vòi bạch tuộc rất lớn để khai thác tài nguyên.

Trước đó, còn rất nhiều vụ xô xát giữa người nuôi ngao và các tàu “cát tặc” đã xảy ra trên vùng cửa sông Văn Úc, khiến ANTT khu vực vô cùng phức tạp.

Nhà nước thất thu hàng trăm tỉ đồng

Nếu xét sâu xa vấn đề cuộc chiến “ngao-cát”, thì đó là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người ngày đêm “rút ruột” tài nguyên, “rút ruột” ngân sách nhà nước!

Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, hiện nay chưa có một hộ nuôi ngao nào nằm trong quy hoạch của các địa phương, tất cả đều mang tính tự phát, Nhà nước cũng chưa thu được bất kỳ khoản tiền nào từ việc nuôi ngao của các hộ dân này. Trong khi đó, trên 10.000ha diện tích gồ cát cửa sông Văn Úc, trải dài từ khu vực quận Đồ Sơn đến huyện Tiên Lãng đang bị các hộ dân này cát cứ như một lãnh địa riêng để phát triển kinh tế. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, với giá thành 15.000 đồng/kg ngao, một hécta nuôi ngao cho sản lượng khoảng 50 tấn. Như vậy, mỗi hécta nuôi ngao khu vực gồ cát cửa sông Văn Úc sẽ cho thu nhập trên 75 triệu đồng. Và nếu nhân con số này với 10.000 hécta gồ cát trải dài từ Đồ Sơn đến Tiên Lãng thì con số lên tới hàng trăm tỉ đồng, số tiền Nhà nước đang thất thu là rất lớn.

Ở một khía cạnh khác, đối với các tàu “cát tặc”, họ không phải nộp bất kỳ khoản tiền nào cho Nhà nước. Thế nhưng, mỗi con tàu này ngày đêm rút ruột hàng nghìn khối cát ở nơi đây. Như vậy, với giá cát hiện nay dao động ở khoảng 100.000-120.000 đồng/khối, sau mỗi lần cắm vòi “bạch tuộc” rút ruột khai thác cát, trở về, các tàu này có thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Việc thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến biến đổi môi trường do sự hoành hành của các tàu “cát tặc” này là điều ai cũng nhận thấy, nhưng những lực lượng có trách nhiệm quản lý khu vực thì gần như bỏ ngỏ, gây bức xúc dư luận.

Trao đổi qua điện thoại với Báo Lao Động, ông Bùi Đức Thảo - Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), thừa nhận: Toàn bộ hoạt động nuôi ngao và khai thác cát trái phép tại khu vực cửa sông Văn Úc, Nhà nước chưa hề thu được một khoản tiền nào, tất cả đều là trái phép.

* Còn ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hải Phòng thì cho biết: “Quan điểm cá nhân của tôi là sẽ kiểm tra sự việc Báo Lao Động nêu và xử lý vấn đề này nghiêm theo quy định pháp luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến "ngao - cát" ở Hải Phòng: Hàng trăm tỉ đồng nhà nước “bốc hơi” nơi cửa biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO