Tại buổi làm việc, UBND huyện Phù Yên đã báo cáo nhanh công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với các điểm than lộ thiên tại 2 xã Tường Phong, Tường Tiến. Đây là khoáng sản xuất lộ trong quá trình thi công làm đường.
Để quản lý khoáng sản, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các xã triển khai các giải pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho các đối tượng thăm dò, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép; yêu cầu các hộ gần khu vực có khoáng sản ký cam kết chấp hành theo quy định.
Thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản trên địa bàn; báo cáo kết quả về Thường trực Huyện ủy, UBND huyện vào thứ 6 hàng tuần hoặc khi có sự việc phát sinh. Trong năm 2022, đã thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác than trái phép.
Tuy nhiên, khu vực khai thác nằm cách xa khu dân cư, địa hình rộng, phức tạp, đi lại khó khăn, các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép chủ yếu hoạt động lén lút vào ban đêm, thời tiết mưa gió, các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết... Đáng lưu ý, có một số hộ gia đình gần khu vực có biểu hiện tiếp tay, cảnh báo cho các đối tượng, gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Thông tin về tình hình quản lý khu vực có khoáng sản than lộ thiên trên địa bàn xã Tường Tiến, Tường Phong, theo Sở TN&MT Sơn La, 2 điểm mỏ chưa đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, điểm mỏ than tại xã Tường Tiến có tổng diện tích khoảng 2,59ha; hiện trạng đất trống và đất sản xuất nông nghiệp, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Điểm mỏ than tại xã Tường Tiến, Tường Phong có tổng diện tích 28,9ha. Đối chiếu với quy hoạch 3 loại rừng, hiện trạng khu vực khảo sát điểm mỏ là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh phục hồi trạng thái TXP, thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ. Các điểm mỏ than chưa được thống kê tại sổ mỏ và điểm quặng.
UBND tỉnh Sơn La đã có công văn xin ý kiến Bộ TN&MT về việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản than tại khu vực này.
Tại Công văn số 6030/BTNMT-ĐCKS, Bộ TN&MT cho biết: Khoáng sản than là đối tượng điều tra hiện trạng thuộc phạm vi đề án thành phần "Đánh giá hiện trạng 17 loại khoáng sản ngoài các đề án thành phần, tổng hợp các đề án thành phần, lập báo cáo tổng kết đề án tổng thể", thuộc Đề án Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững KT-XH trên địa bàn 11 tỉnh, trong đó có Sơn La. Kết quả của đề án là cơ sở để phục vụ công tác quản lý hoạt động khoáng sản chung của cả nước và từng địa phương.
Phó Cục trưởng Cục địa chất Nguyễn Văn Nguyên thông tin sơ lược về định hướng triển khai đánh giá tài nguyên khoáng sản than tại huyện Phù Yên.
Trên cơ sở đó, tỉnh Sơn La kiến nghị Cục Địa chất Việt Nam ưu tiên việc đánh giá tài nguyên với 2 điểm mỏ, theo Đề án Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc.
Kiến nghị Bộ TN&MT cho phép đưa 2 điểm mỏ vào nhóm dự án cấp bách hoàn thành đánh giá tài nguyên than trong thời gian sớm nhất; đồng thời, hướng dẫn tỉnh trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản nhằm quản lý, bảo vệ, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép.
Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu than để thực hiện giám định. Theo các thành viên Đoàn công tác, cấu trúc địa tầng khu vực khá phức tạp, bị uốn nếp, dồn ép nên vỉa than không ổn định, gây khó khăn trong đo vẽ. Chất lượng than tốt, song vỉa than không còn nguyên vẹn, lẫn vật liệu khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Qua ý kiến của tỉnh, Cục Địa chất ghi nhận, tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ. Về khu vực khảo sát khoáng sản than đã nằm trong kế hoạch điều tra của Cục, chúng tôi sẽ tập trung nhân lực, nguồn lực để cố gắng trong năm 2023 hoàn thành điều tra, đánh giá tài nguyên khu vực này, trình Bộ TN&MT phê duyệt, công bố tài nguyên, phục vụ kịp thời phát triển KT-XH địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu mong muốn, Cục Địa chất Việt Nam quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu mong muốn, Cục Địa chất Việt Nam quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án. Kết quả điều tra, đánh giá sẽ là cơ sở để tỉnh triển khai bổ sung quy hoạch, đảm bảo việc quản lý, cấp phép theo đúng quy định.
Trong thời gian đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với Cục Địa chất thực hiện khảo sát, đánh giá tài nguyên; phối hợp với huyện Phù Yên triển khai các giải pháp để tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường quản lý bảo vệ rừng khu vực quanh điểm mỏ, kiên quyết không làm ảnh hưởng đến diện tích rừng hiện có.
Chủ tịch UBND huyện Phù Yên Đặng Quang Hưng cho biết, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý nghiêm khoáng sản than tại khu vực này.
Giao UBND huyện Phù Yên tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Chỉ đạo các xã quản lý nghiêm, ký cam kết đến các bản và các hộ dân về chấp hành các quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Duy trì Tổ công tác liên ngành của huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng khai thác, vận chuyển, tập kết, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản chưa khai thác trên toàn huyện.