Cty CP Mía đường Sơn La: Lãnh đạo khẳng định hết ô nhiễm, dân bảo cứ chờ xem!

06/05/2015 00:00

(TN&MT) - Lãnh đạo Cty CP Mía đường Sơn La cam kết, từ nay tới hết tháng 5 sẽ xử lý triệt để nước thải tồn đọng tại 2 hồ chứa, đảm bảo niên vụ mía 2015 - 2016...

 

(TN&MT) - 11 giờ trưa ngày 3/5/2015, tại mó nước giáp giữa tiểu khu 4 và 5 Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La, chúng tôi vẫn cảm nhận được mùi hôi thối bốc lên. Theo phản ánh của người dân, tình trạng này đã diễn ra cả chục năm nay. Tuy nhiên, từ tháng 12/2014 tới nay, tình hình ô nhiễm đã giảm nhiều so với những năm trước đó.

Mó nước giữa tiểu khu 4, 5 dù nước không còn màu đen nhưng vẫn bốc lên mùi hôi thối.
Mó nước giữa tiểu khu 4, 5 dù nước không còn màu đen nhưng vẫn bốc lên mùi hôi thối.

Đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải

Trước đó một tuần, phóng viên (PV) báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại Công ty CP Mía đường Sơn La. Ông Chu Hải Quân, Phó phòng Kỹ thuật - Hóa nghiệm của Công ty dẫn PV tham quan hệ thống xử lý nước thải vừa được đầu tư với lời giới thiệu: Hệ thống xử lý nước thải đã chính thức nghiệm thu. Nước qua xử lý đã hết màu đen, không còn mùi hôi thối, có thể nuôi vịt, nuôi cá.

Để chứng minh thêm cho lời nói của mình, ông Quân chỉ vào một công nhân đang sử dụng nước thải đã qua xử lý để rửa tay chân sau buổi làm việc.

Công ty CP Mía đường Sơn La, tiền thân là Nhà máy đường Sơn La, được khởi công xây dựng năm 1995. Từ một doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Năm 2008, Công ty Mía đường Sơn La đã chuyển đổi hình thức sở hữu sang công ty cổ phần.

Tuy nhiên, ngay từ khi đi vào hoạt động tới nay, việc xử lý nước thải của Công ty đã không được xử lý triệt để. Theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công ty này đã sớm được liệt vào danh sách những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Cụ thể, Công ty CP Mía đường Sơn La không xả thải trực tiếp ra môi trường mà thông qua các hệ thống lọc nước, xử lý nước thải. Song do việc xử lý nước thải kém hiệu quả, nước thải thẩm thấu qua lòng đất, ngấm vào mạch nước chảy ra suối Nậm Pàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất, sinh hoạt của cư dân tiểu khu 4,5,6 thị trấn Hát Lót, hiện đang sinh sống hai bên bờ suối.

Liên tiếp trong giai đoạn 2012 - 2014, công ty này đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng xử phạt do vi phạm về tình trạng xả thải của nhà máy gây ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục, trong vụ mía 2014 - 2015 này, Công ty đã đầu tư xây dựng và chạy thử nghiệm hệ thống xả thải mới với quy trình khép kín, tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng. Cam kết khi hệ thống đi vào hoạt động sẽ khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nước thải chưa qua xử lý có màu đen, mùi hôi thối nồng nặc.
Nước thải chưa qua xử lý có màu đen, mùi hôi thối nồng nặc.

Dân bảo: “Cứ chờ xem cái đã...”

Dọc đường bản Dôm, chúng tôi tìm tới tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót. Ngôi nhà của bà Trương Thị Quế nằm ngay cạnh suối Nậm Pàn. Bà Quế cho hay, trong thời điểm năm 2013 - 2014, nước suối có màu đen, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu.

Ông Phạm Văn Canh, tiểu khu trưởng Tiểu khu 6, thị trấn hát Lót thì lại kể: Thời điểm ô nhiễm nặng nhất vào khoảng tháng 2 – thời điểm Tết, nhà máy sản xuất nhiều, độ đậm đặc nước thải ra suối tăng mạnh. Mùi bốc lên mạnh nhất vào sáng và chiều tối.

Chỉ tay vào mó nước giáp giữa tiểu khu 4,5, bà Phạm Thị Hằng, Tiểu khu Trưởng tiểu khu 5, cho biết: Tiểu khu 5 bị ảnh hưởng nặng nhất do có 2 mó nước. Trước kia, nước mó rất trong, mát, người dân giặt giũ, tắm rửa, dẫn nước trồng trọt, chăn nuôi. Từ ngày nước thải của nhà máy chảy theo nước ngầm đùn lên mó, 1/3 số hộ dân sinh sống 2 bên bờ suối bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vườn rau không trồng được, ao cá bỏ hoang. Những hộ không ở cách xa non cây số vẫn ngửi thấy mùi. Có hộ ở gần đó không chịu được, phải quây bạt quanh nhà để bớt mùi hôi thối từ nước xả thải của nhà máy đường.

Tuy nhiên, từ đầu niên vụ mía 2014 - 2015 tới nay, mùi hôi thối có phần đỡ hơn. Nhưng thỉnh thoảng tầm 11-12 giờ đêm, mùi bốc lên nặng hơn cả những năm trước.

Theo quan sát của PV trong 2 ngày 3 - 4/5, tại khu vực suối Nậm Pàn đoạn chảy qua tiểu khu 5,6 đã không còn mùi hôi thối, nước trong dần. Riêng khi đến gần khu vực mó nước giáp giữa tiểu khu 4,5, mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc. Không chỉ thế, trên mặt nước có rất nhiều rác thải sinh hoạt do người dân xả bừa bãi.

Chị Vũ Thị Thanh, tiểu khu 4, sinh sống cạnh mó nước từ những năm 1993, cho biết: Không chỉ nước thải từ Công ty Mía đường, ở đây còn chịu ảnh hưởng do hệ thống xả thải từ chợ trung tâm Mai Sơn đổ về.

Nguyên nhân giảm thiểu ô nhiễm có phải do hệ thống xử lý nước thải mới của Công ty CP Mía đường đã có hiệu quả?. Ông Phạm Văn Canh, thì cho rằng: “Ở thời điểm này chưa thể có kết luận cụ thể. Hiện nay đang vào mùa khô, nước thải ngấm xuống lòng đất. Cộng thêm đã vào cuối vụ mía, sản xuất ít, lượng thải ra ít. Đến mùa mưa, khi nước thải dồn lên mới có thể đánh giá chính xác hơn. Cứ chờ xem cái đã...”.

Nước thải qua xử lý từ bể dẫn vào các hồ chứa trong Công ty, hiện có thể nuôi cá, nuôi vịt trong hồ.
Nước thải qua xử lý từ bể dẫn vào các hồ chứa trong Công ty, hiện có thể nuôi cá, nuôi vịt trong hồ.

Cam kết vụ mía 2015-2016 hết ô nhiễm hoàn toàn!

Trước nghi vấn: liệu có hay không hiện tượng Công ty xả thải trộm giữa đêm, ông Đặng Xuân Phúc,  Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty  CP Mía đường Sơn La khẳng định: Chắc chắn không có chuyện nhà máy xả thải trộm vào ban đêm. Hệ thống xử lý nước thải hiện nay của Công ty đảm bảo 100% nước không bị ô nhiễm. Với mô hình hoàn toàn khép kín, không có hồ chứa, đường dẫn nào chảy ra ngoài được.

Lý giải nguyên nhân mó nước tại tiểu khu 4,5 còn mùi hôi thối, ông Đặng Xuân Phúc cho rằng: Thời gian đầu khi hệ thống xử lý nước thải chạy thử nghiệm nên không ổn định, nước thải chưa đạt chuẩn có thể vẫn gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, chất lượng nước thải sau xử lý đã được các cơ quan chuyên ngành nghiệm thu. Mó nước vẫn có mùi hôi thối là do nước thải cũ còn tồn đọng tại 2 hồ chứa cũng như mạch nước ngầm trong lòng đất.Cộng thêm, ý thức người dân xả rác thải bừa bãi. Những hộ chăn nuôi, chợ trung tâm, hệ thống nước thải sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân cũng chảy ra suối.

Nước thải qua xử lý được Công ty CP Mía đường Sơn La bơm trở lại hệ thống làm mát.
Nước thải qua xử lý được Công ty CP Mía đường Sơn La bơm trở lại hệ thống làm mát.

Sáng 4/5/2015, đoàn kiểm tra đột xuất do ông Triệu Ngọc Hoan, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La làm trưởng đoàn đã có mặt tại Công ty CP Mía đường Sơn La. Sau khi kiểm tra, xem xét, ông Triệu Ngọc Hoan kết luận, quy trình xử lý nước thải hiện nay đã hợp quy chuẩn. Nguyên nhân còn gây mùi là do 2 hồ chứa nước thải cũ chưa qua hệ thống mới còn lưu lại, cần khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Ông Đặng Xuân Phúc cam kết, từ nay tới hết tháng 5 sẽ xử lý triệt để nước thải tồn đọng tại 2 hồ chứa, đảm bảo niên vụ mía 2015 - 2016 sẽ không còn tình trạng nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Vậy là sau hơn chục năm gây ô nhiễm trầm trọng, cuối cùng, lãnh đạo Công ty CP Mía đường Sơn La đã chốt được mốc thời gian xác định cho công tác khắc phục hậu quả.

Bài & ảnh: Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cty CP Mía đường Sơn La: Lãnh đạo khẳng định hết ô nhiễm, dân bảo cứ chờ xem!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO