COP21 có sứ mệnh cứu sống dân cư, đất đai, hệ sinh học trên trái đất

24/09/2015 00:00

(TN&MT) - Từ 30/11 đến 11/12, đại diện của 195 quốc gia sẽ tập hợp tại Trung tâm hội nghị ở ngoại ô Paris (Pháp) để đàm phán một thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đạt được một thỏa thuận phổ quát và ràng buộc có thể áp dụng từ năm 2020 đối với 195 quốc gia.

Đây là mục tiêu chính của hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 21 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) nhằm tìm các giải pháp chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu do Pháp đăng cai.

Các quốc gia tham gia sẽ đàm phán về các mục tiêu và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu: giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tài trợ cho các quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển giao công nghệ….

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng COP21 có sứ mệnh cứu sống “cuộc sống của dân cư, đất đai, hệ thống sinh học” trên trái đất.

Theo nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nhiệt độ bề mặt của trái đất đã tăng trung bình 0,85°C kể từ năm 1880 và dự báo sẽ tăng 0,3-4,8°C từ nay đến năm 2100 tùy thuộc vào sự phát ra của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hiệp định sẽ ký tại Paris chủ yếu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mục đích là để duy trì kịch bản về sự ấm lên chỉ đến 2°C từ nay đến cuối thế kỷ.

Hiện đã có 58 quốc gia, đại diện cho hơn 60% lượng khí thải toàn cầu, đưa ra các cam kết của mình nhưng những đề xuất cắt giảm này không đủ để hạn chế sự nóng lên của khí hậu trái đất chỉ đến 2 độ.

Hai nước phát thải lớn lượng khí gây hiệu ứng nhà kính là Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra mục tiêu giảm 26% đến 28% lượng khí thải vào năm 2025 so với năm 2005.

Liên minh châu Âu cam kết sẽ hạn chế ít nhất 40% từ nay đến năm 2030 lượng khí thải so với mức năm 1990.

Hội nghị cũng nhắm đến một thỏa thuận về tài chính mà phía Pháp hy vọng có thể đạt được 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020 để giúp các nước nghèo thích ứng với mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy vậy, mục tiêu này rất khó thực hiện bởi đến tháng 6/2015, mới có 30 quốc gia hứa tài trợ khoảng 10,2 tỷ USD trong đó chỉ 4 tỷ USD có thể sẵn sàng được giải ngân.

Các hội nghị COP nằm trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) do 196 quốc gia/ tổ chức (như EU) ký năm 1992 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Rio.Thỏa thuận phổ quát này công nhận rằng sự tồn tại của loài người gây ra biến đổi khí hậu và trao trách nhiệm cho các nước công nghiệp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 

T.H

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
COP21 có sứ mệnh cứu sống dân cư, đất đai, hệ sinh học trên trái đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO